Hải quân Mỹ quyết định sa thải chỉ huy Cameron Aljilani và 2 sĩ quan của tàu ngầm USS Connecticut sau khi phát hiện vụ tai nạn nêu trên là có thể ngăn chặn được bằng việc ra quyết định thận trọng, phán đoán đúng đắn và tuân thủ các quy trình bắt buộc trong lập kế hoạch điều hướng…

Tuần trước, Hải quân Mỹ thông báo cuộc điều tra cho thấy USS Connecticut “va phải núi ngầm” vào ngày 2-10 khi đang di chuyển trên biển Đông, khiến 11 thủy thủ bị thương. Vụ va chạm khiến bể dằn trước mũi tàu bị hỏng nhưng lò phản ứng hạt nhân không bị ảnh hưởng.

USS Connecticut buộc phải di chuyển ở trạng thái trồi lên mặt nước trong 1 tuần để đến đảo Guam của Mỹ. Sau quá trình đánh giá thiệt hại ở Guam, con tàu này sẽ trở về căn cứ tàu ngầm Mỹ ở TP Bremerton, bang Washington, để sửa chữa.

Tàu ngầm hạt nhân Mỹ USS Connecticut. Ảnh: Hải quân Mỹ

Mỹ thường xuyên triển khai điều mà họ gọi là chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải ở biển Đông để khẳng định các quyền hàng hải và tự do phù hợp với luật pháp quốc tế.

Hải quân Mỹ đến giờ chưa cho biết chính xác địa điểm xảy ra va chạm và Trung Quốc đã yêu cầu Washington giải thích chi tiết, rõ ràng chuyện đã xảy ra.

“Một lần nữa, chúng tôi hối thúc Mỹ cung cấp thông tin chi tiết về vụ việc” – người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói trong buổi họp báo hôm 2-11, theo hãng tin AP.

Ông Uông cáo buộc Mỹ “thiếu minh bạch và trách nhiệm”, đồng thời yêu cầu Washington cung cấp địa điểm va chạm cụ thể để xem liệu vụ tai nạn có xảy ra ở vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay lãnh hải của nước khác hay không, cũng như liệu vụ tai nạn có làm rò rỉ hạt nhân hay hủy hoại môi trường biển hay không.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: Reuters


Cao Lực

Chia sẻ