Theo Reuters, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã có động thái thúc đẩy vắc-xin nhắm mục tiêu Omicron sau cuộc họp với các cơ quan quản lý y tế toàn cầu. EMA thừa nhận vắc-xin Covid-19 hiện tại vẫn tiếp tục tốt trong việc chống nhập viện và tử vong nhưng hiệu quả phòng bệnh thì đã bị ảnh hưởng khi virus SARS-CoV-2 không ngừng phát triển.

Đó cũng là lời khuyến nghị của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) hôm 1-7. Một nghiên cứu từ hồi tháng 4 do FDA chủ trì cũng đã thừa nhận việc bảo vệ khỏi bệnh nặng tốt nhưng chống lây nhiễm thì kém của vắc-xin cơ bản.

Giám đốc Trung tâm Đánh giá và Nghiên cứu sinh học của FDA Peter Marks cho rằng mũi tăng cường thứ 2 (mũi 4) nên là mũi “chốt lại” liệu trình vắc-xin cơ bản, các mũi sau này nên là vắc-xin cải tiến hiệu quả hơn và không đòi hỏi tiêm nhắc quá thường xuyên. Theo nhiều nghiên cứu trên thế giới, bao gồm tại Việt Nam, vắc-xin hiện tại vẫn giúp kháng Omicron nhưng hiệu quả giảm đi rõ rệt sau 3-4 tháng tiêm mũi 3.

Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach đeo khẩu trang trong một cuộc họp báo về Covid-19 hôm 1-7 Ảnh: REUTERS

Ba “ông lớn” trong lĩnh vực vắc-xin là Pfizer, Moderna và Novavax lần lượt công bố về vắc-xin kháng Omicron đang thử nghiệm, dự kiến sẽ kịp cho chiến dịch tiêm nhắc của Âu – Mỹ mùa thu tới. Cả 3 đều tuyên bố vắc-xin của họ có hiệu quả để chống lại 2 dòng phụ mới nhất của Omicron là BA.4 và BA.5, dù chủ yếu được thiết kế dựa trên BA.1.

Một chuyên luận trên Nature dẫn lời nhiều chuyên gia truyền nhiễm, lo ngại rằng nếu không tăng tốc, các vắc-xin dựa trên BA.1 này cũng sẽ lỗi thời khi SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi. “BA.1 là tin tức của ngày hôm qua” – nhà nghiên cứu từ Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID), bác sĩ John Beigel – nhấn mạnh, trong bối cảnh BA.4 và BA.5 “làm xói mòn” cả miễn dịch do vắc-xin và các lần nhiễm Omicron trước đó.

Cũng có khả năng một biến chủng riêng biệt, hoàn toàn mới sẽ xuất hiện từ một phần xa của cây gia đình SARS-CoV-2, nhà virus học Penny Moore từ Đại học Witwatersrand – Nam Phi cảnh báo.

Tìm một thứ gì đó đủ kiểm soát khả năng biến đổi của SARS-CoV-2 có thể là phương án. Theo Nature, một hãng dược khác là Sanofi-GSK đã tạo nên vắc-xin cải tiến từ biến chủng “bị lãng quên” Beta – tức B.1.351, từng được gọi là “biến chủng Nam Phi” khi nước ta phát hiện trên bệnh nhân 1442 nhập cảnh tháng 12-2020.

Vắc-xin dựa trên Beta mà Sanofi-GSK đang thử nghiệm đã kích hoạt kháng thể trung hòa mạnh mẽ chống lại tất cả các biến chủng được đem ra thử nghiệm, bao gồm Delta và BA.1 Omicron, cho thấy Beta là một nhân tố không nên bỏ qua trong cuộc tìm kiếm vắc-xin chống mọi biến chủng, bao gồm các biến chủng tương lai. 

Số ca bệnh tăng, tử vong còn cao

Theo Medical Xpress, Pháp đã khuyến nghị người dân dùng khẩu trang trở lại sau khi số ca nhập viện do Covid-19 nặng tăng nhanh trong 2 tuần qua, gần 1.000 ca/ngày.

Tại Úc, số ca nhiễm mới trong 24 giờ lại vượt mốc 10.000 vào hôm 3-7, với 30 người tử vong, theo The Guardian. Bộ trưởng Bộ Y tế Liên bang Úc Mark Bulter cho biết BA.4 và BA.5 là thủ phạm của đợt bùng phát mới, nhấn mạnh ngay cả những người đã nhiễm Omicron trong mùa hè vừa qua vẫn có thể tái nhiễm.

AP cho hay nước Mỹ tỏ ra lạc quan hơn bởi làn sóng mới tuy nhiều ca nhưng bệnh nhẹ hơn năm 2021, chưa kể Mỹ có tỉ lệ tiêm chủng và tỉ lệ từng mắc Covid-19 cao. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chỉ nên “vui một cách thận trọng” vì vẫn có khoảng 360 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày vào đầu tháng 7.

Tại châu Á, báo cáo gần nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy Philippines chứng kiến sự gia tăng 60% chỉ trong vòng 1 tuần, trong khi số ca ở Thái Lan đang tăng dần, với số liệu 24 giờ qua được The Bangkok Post cập nhật là 2.328 ca, 19 ca tử vong.


ANH THƯ