Tuy nhiên, mọi thứ đang dần thay đổi với những đại gia gồm Alphabet – tập đoàn sở hữu Google, YouTube, Apple, Microsoft, Amazon và Facebook.

Đài CNBC cho biết vào cuối tháng 4-2021, Ủy viên phụ trách cạnh tranh của Liên minh châu Âu (EU), bà Margrethe Vestager, công bố báo cáo sơ bộ cho thấy Apple “lạm dụng quyền lực thống trị của họ trong việc phân phối các ứng dụng phát nhạc trực tuyến”.

Công ty phát nhạc trực tuyến Spotify trước đó phản đối khoản hoa hồng 15%-30% mà Apple áp dụng cho các ứng dụng kiểu này. Tuy nhiên, Apple cho rằng việc EU thay mặt cho Spotify là hành động đi ngược lại cạnh tranh công bằng.

EU đã đi đầu trong việc thắt chặt quy định đối với các “Big Tech”, dẫn đến việc các đại gia sớm phải điều chỉnh lại mô hình kinh doanh Ảnh: FT

Đài CNBC cho biết EU đã đi đầu trong việc thắt chặt quy định đối với các “Big Tech” và không có dấu hiệu thay đổi cách tiếp cận đó. Nhiều quy định đang được thực hiện, dẫn đến việc các “Big Tech” ở Thung lũng Silicon như Google có thể sớm phải điều chỉnh lại mô hình kinh doanh.

Phó giáo sư kinh tế tại Trường Thương mại H.E.C. Paris (Pháp) Jeremy Ghez nói với đài CNBC: “Tiềm năng định hình các mô hình kinh doanh của EU có thể rất lớn. Đáng chú ý là nó mang khía cạnh “bên ngoài lãnh thổ”, nghĩa là các công ty tuân thủ quy định của châu Âu thường tuân thủ quy định đó trên toàn thế giới”.

Năm 2018, châu Âu đề ra quy định GDPR mang tính bước ngoặt. Nó giúp công dân khối này có tiếng nói mạnh mẽ hơn về dữ liệu của họ sẽ được các “Big Tech” sử dụng như thế nào. Đồng thời, GDPR cũng thúc đẩy nhiều cuộc thảo luận hơn về bảo vệ dữ liệu ở Mỹ. Năm 2020, California trở thành bang đầu tiên của Mỹ áp dụng quy định về dữ liệu cá nhân tương tự như GDPR của châu Âu.

Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát được công bố vào tháng 12-2019, 74% công dân châu Âu chia sẻ rằng họ muốn biết dữ liệu của mình được các nền tảng mạng xã hội sử dụng như thế nào khi họ truy cập các trang web khác.


Phạm Nghĩa

Chia sẻ