Theo AP, với mục tiêu tiêm phòng cho hơn 13 triệu người, khoảng 3.500 công ty đã đăng ký nhận vắc-xin miễn phí và con số này đang gia tăng.

Để tham gia chương trình, các công ty phải đệ trình kế hoạch tiêm vắc-xin cho ít nhất 1.000 người tại mỗi điểm tiêm. Họ được phép quyết định đối tượng tiêm chủng ngoài nhân viên, chẳng hạn như công ty liên kết, các nhà cung cấp và người nhà của nhân viên…

Các trường đại học cũng được phép tham gia chương trình này. Các công ty quy mô nhỏ cũng có thể đăng ký thông qua các tổ chức, như hiệp hội thương gia địa phương, để hướng đến mục tiêu không ai bị bỏ sót, Bộ Y tế Nhật Bản khẳng định.

Tại Trung Quốc, Ủy ban Y tế quốc gia (NHC) mới đây cho biết chương trình tiêm chủng của họ đã đạt được một cột mốc quan trọng: Hơn 1 tỉ liều vắc-xin, tương đương 40% trong tổng số 2,5 tỉ liều được triển khai trên toàn thế giới. Theo dữ liệu của NHC, Trung Quốc đạt mốc 100 triệu liều đầu tiên vào ngày 27-3, 2 tuần sau Mỹ. Tuy nhiên, tốc độ phủ sóng vắc-xin của họ gia tăng đáng kể vào tháng 5, với hơn 500 triệu liều trong tháng này.

Trong khi đó, Ấn Độ bắt đầu kế hoạch tiêm phòng Covid-19 miễn phí cho toàn bộ dân số trưởng thành vào ngày 21-6, sau khi Thủ tướng Narendra Modi tuyên bố chính phủ sẽ bảo đảm 75% nguồn cung vắc-xin và phân phối đến các bang để có thể tiêm phòng miễn phí cho những công dân trên 18 tuổi.

Nhân viên Aeon được tiêm vắc-xin Covid-19 tại trung tâm thương mại của công ty này ở TP Chiba – Nhật Bản hôm 21-6. Ảnh: REUTERS

Ấn Độ đến giờ chỉ mới triển khai được 275 triệu mũi tiêm, với tỉ lệ dân số được tiêm phòng đầy đủ chỉ là 4%. Chính quyền Thủ tướng Modi đặt mục tiêu tiêm ngừa cho toàn bộ dân số trưởng thành (gần 1,1 tỉ người) vào cuối năm nay.

Dù vậy, giới chuyên gia cảnh báo mục tiêu này cũng như mục tiêu chấm dứt đại dịch Covid-19 của Ấn Độ có thể không thành vì những rủi ro liên quan đến “do dự về tiêm chủng”. Xuất phát từ thông tin sai lệch cùng tâm lý hoài nghi, thực trạng này đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, đặc biệt là tại các khu vực nông thôn – nơi gần 2/3 dân số Ấn Độ sinh sống.

Ngoài do dự về tiêm chủng, cuộc chiến chống Covid-19 tại quốc gia Nam Á còn gặp thách thức không nhỏ từ “nấm đen”. Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan tuần rồi cho biết Ấn Độ đã phát hiện hơn 28.000 ca bệnh liên quan đến mối đe dọa nêu trên, với hơn 85% trong số này xuất hiện tại các bệnh nhân đang được điều trị hoặc đã được chữa khỏi Covid-19. Theo ông Chand Wattal, Trưởng Khoa Vi sinh Lâm sàng tại Bệnh viện Ganga Ram ở thủ đô New Delhi, nấm đen lây nhiễm nhanh, gây tử vong cao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Trong khi đó tại Indonesia, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto thông báo lệnh thắt chặt phong tỏa trong 2 tuần, bắt đầu từ ngày 22-6, tại 29 khu vực bị xác định là “vùng đỏ”, tức những nơi bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19 như thủ đô Jakarta. Quyết định trên đồng nghĩa văn phòng, nhà hàng, quán cà phê và trung tâm thương mại chỉ được phép hoạt động với 25% công suất trong khi hoạt động tôn giáo và du lịch bị cấm. Các lĩnh vực quan trọng như dịch vụ thiết yếu có thể hoạt động với 100% công suất nhưng phải triển khai quy trình bảo đảm sức khỏe nghiêm ngặt hơn…


Cao Lực

Chia sẻ