Tại Bồ Đào Nha, hơn 1.000 người tử vong trong đợt nắng nóng mới nhất trong lúc cảnh báo nhiệt độ cao nhất được đưa ra hôm 20-7. Trong khi đó, Cơ quan dự báo thời tiết Đức cho biết 19-7 là ngày nóng nhất kể từ đầu năm với nhiệt độ lên tới 39,5 độ C.

 Cùng ngày, theo hãng tin AP, một khu vực rộng lớn của Anh tiếp tục được đặt trong tình trạng cảnh báo nhiệt độ cao nhất, tức là mức có nguy cơ gây tử vong đối với cả người khỏe mạnh.

Cháy rừng bùng phát trong đợt nắng nóng ở phía Bắc TP Dresden – Đức hôm 19-7 Ảnh: REUTERS

Các chuyên gia khí hậu cảnh báo tình trạng trái đất nóng dần lên làm tăng tần suất xảy ra hiện tượng thời tiết cực đoan. Ở thủ đô Paris – Pháp, nhiệt độ tại trạm khí tượng hôm 19-7 đạt 40 độ C lần thứ 3 trong 149 năm qua.

Các đợt hạn hán và nắng nóng do biến đổi khí hậu cũng khiến cháy rừng trở nên phổ biến và khó kiểm soát hơn. Chẳng hạn như tại vùng Gironde ở miền Tây Nam nước Pháp, cháy rừng vẫn lan rộng bất chấp nỗ lực dập tắt lửa của hơn 2.000 lính cứu hỏa. Hàng chục ngàn người đã phải sơ tán kể từ khi cháy rừng bùng phát ở Gironde hôm 12-7.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Tổ chức Y tế thế giới lo ngại đợt nắng nóng hiện nay ở châu Âu sẽ làm gia tăng sức ép lên các hệ thống y tế, cũng như khiến thêm nhiều người thiệt mạng.

Ông Petteri Taalas, Tổng Thư ký WMO, hôm 19-7 cảnh báo các đợt nắng nóng như thế sẽ trở nên thường xuyên hơn và xu hướng này sẽ tiếp diễn ít nhất đến năm 2060, đồng thời cho rằng nguyên nhân là do sự phát thải khí CO2. 


Xuân Mai