Thêm 2 trận động đất mạnh khác – cấp độ 7,4 và 8,1 – xảy ra gần đó, khiến toàn khu vực chấn động và tiếng còi cảnh báo sóng thần vang lên khắp đảo Bắc. Hàng ngàn người tóm vội con cái, thú nuôi rồi bỏ chạy lên các vùng đất cao.

May mắn là các đợt sóng thần ập vào bờ chỉ cao từ 15-40 cm và cảnh báo được dỡ bỏ trưa cùng ngày, theo báo New Zealand Herald. Dù vậy, 12 trận động đất nhỏ kéo theo trong 12 giờ sau đó là lời nhắc nhở người dân New Zealand phải sơ tán nhanh chóng và có sẵn kế hoạch ứng phó.

Theo thống kê, hơn 430.000 người dân đảo quốc này – tức khoảng 1/10 dân số – sống ở các khu vực phải sơ tán khi có sóng thần.

TP Rikuzentakata của tỉnh Iwate bị sóng thần tàn phá vào ngày 11-3-2011 Ảnh: KYODO

Tuy nhiên, tính toán đúng mức độ nguy cơ và ra cảnh báo kịp thời vẫn là bài toán quá khó với giới khoa học toàn thế giới. 10 năm đã trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa năm 2011, các nhà khoa học Nhật Bản vẫn không ngừng tìm kiếm câu trả lời cho hàng loạt câu hỏi.

“Tốc độ của sóng thần ngoài khơi ngang ngửa máy bay phản lực, còn tốc độ trên bờ tương tự Usain Bolt (vận động viên điền kinh người Jamaica lập kỷ lục thế giới chạy 100 m chỉ mất 9,58 giây)” – GS Nobuhito Mori thuộc Trường ĐH Kyoto trao đổi với tờ Japan Times.

Hơn nữa, các nhà khoa học cũng chưa hiểu các cơn sóng thần di chuyển ra sao khi bắt đầu tràn vào đường phố và các tòa nhà, từ đó khó đưa ra dự đoán chính xác. “Đó là lý do cần phải sơ tán sớm” – ông Mori nói.

Vào ngày 11-3-2011, sóng thần bắt đầu xé toạc các cộng đồng ven biển ở Đông Bắc Nhật Bản chỉ 15 phút sau trận động đất cấp độ 9-9,1. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) ra cảnh báo sóng thần chỉ 3 phút sau động đất, còn Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ phát đi cảnh báo toàn khu vực 6 phút sau đó, theo Japan Times.

Cảnh báo của JMA bị chỉ trích vì đánh giá chưa đúng quy mô sóng thần, làm chậm quá trình sơ tán, khiến một số người ở các khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất chỉ có 15 phút để bỏ chạy. Quá khứ thương đau khiến Nhật Bản đào sâu tìm tòi công nghệ phát hiện sớm và cải thiện toàn bộ hệ thống theo dõi sóng thần trên cả nước.

Một dự án được trình làng vào tháng 2 vừa qua đã kết hợp mô hình trí tuệ nhân tạo mới để khai thác sức mạnh của siêu máy tính nhanh nhất thế giới Fugaku, từ đó dự đoán những khu vực ven biển sẽ bị ngập từ trước khi sóng thần ập vào bờ. Trước đó, Nhật Bản lắp đặt mạng lưới S-net vào năm 2017, bao gồm 150 trạm quan trắc dưới biển có kết nối với cáp quang tàu ngầm để theo dõi động đất và sóng thần. 


Hải Ngọc

Chia sẻ