Trang Asia News cho biết một cuộc “tổng biểu tình” đang diễn ra trên toàn lãnh thổ Myanmar với sự tham gia của hàng trăm ngàn người thuộc mọi thành phần xã hội: cửa hàng, ngân hàng, công sở, trường học… Những khẩu hiệu giống nhau vang lên từ Nam ra Bắc: “Đã đủ với chế độ độc tài quân sự” và “Tự do cho bà Aung San Suu Kyi”.

Làn sóng biểu tình tiếp diễn bất chấp cảnh báo của quân đội trên đài phát thanh nhà nước rằng những người kích động thanh thiếu niên xuống đường có nguy cơ “mất mạng”.

Một cuộc “tổng biểu tình” đang diễn ra trên toàn lãnh thổ Myanmar. Ảnh: Asia News

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Myanmar, Tom Andrews, bày tỏ lo ngại trước cảnh báo của quân đội Myanmar đối với những người biểu tình. “Không giống như năm 1988, hành động của lực lượng an ninh Myanmar đang được ghi lại và họ sẽ phải chịu trách nhiệm” – ông Andrews viết trên mạng xã hội Twitter.

Hai ngày trước, tại thủ đô Naypyidaw đã diễn ra tang lễ của người biểu tình thiệt mạng đầu tiên, cô Mya Thwate Thwate Khaing. Cùng ngày, các cuộc biểu tình được tổ chức ở nhiều thành phố, đáng chú ý là TP Mandalay. Tại đây, theo nhiều nhân chứng, 2 người bị trúng đạn tử vong. Một cậu bé 16 tuổi cũng thiệt mạng trong cuộc biểu tình, trong khi hàng trăm người khác bị thương.

Tại TP Yangon, một người đàn ông 30 tuổi thiệt mạng khi đang tuần tra khu phố của mình. Truyền hình nhà nước cho biết trước đó, 20 người tấn công một xe cảnh sát, buộc họ bắn súng để giải tán.

Biểu tình chống đảo chính ở TP Mandalay hôm 22-2. Ảnh: AP

Người biểu tình ở TP Yangon hôm 22-2. Ảnh: AP

Hôm 21-2, biểu tình diễn ra ở hàng loạt thành phố Myitkyina, Monywa, Pagan, Dawei, Myeik, Lashio và Yangon. Hơn 1.000 người biểu tình hôm 22-2 tập trung gần Đại sứ quán Mỹ ở TP Yangon nhưng sau đó rời đi khi cảnh sát chống bạo động xuất hiện. 

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết trên Twitter rằng Washington sẽ có hành động kiên quyết “chống lại những kẻ gây bạo lực chống lại người dân Myanmar khi họ yêu cầu khôi phục chính phủ được bầu một cách dân chủ”.

“Chúng tôi kêu gọi quân đội Myanmar ngừng sử dụng bạo lực, thả tất cả những người bị giam giữ vô cớ, ngừng tấn công vào các nhà báo và nhà hoạt động, tôn trọng ý chí của người dân” – phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố.

Chính quyền quân sự Myanmar cho biết 640 người đã bị bắt, buộc tội hoặc kết án. Ít nhất 593 người, bao gồm cả bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, vẫn đang bị giam giữ, theo Hiệp hội hỗ trợ tù nhân chính trị độc lập Myanmar.

Cảnh sát lập hàng rào trước Đại sứ quán Mỹ ở TP Yangon hôm 22-2. Ảnh: AP


Phạm Nghĩa

Chia sẻ