“Hội nghị sẽ tập trung đề ra lộ trình phục hồi từ cuộc khủng hoảng trăm năm có một này. Cùng nhau, chúng ta có thể duy trì chuỗi cung ứng vận hành và hỗ trợ giao thương thiết bị y tế quan trọng, bao gồm các bộ xét nghiệm, thiết bị bảo vệ cá nhân và vắc-xin” – Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nhấn mạnh.

Các nền kinh tế thành viên APEC chiếm khoảng 38% dân số thế giới và hơn 60% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Trong phiên họp đặc biệt hồi tháng 6, các nước thành viên APEC đã cam kết gỡ bỏ rào cản thương mại đối với dược phẩm cũng như mở rộng sản xuất và chia sẻ vắc-xin Covid-19.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2021 diễn ra dưới hình thức trực tuyến từ ngày 8-11 đến ngày 12-11 Ảnh: APEC.ORG

Theo báo cáo được Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (PECC) công bố trước thềm APEC 2021, bất bình đẳng vắc-xin là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế châu Á – Thái Bình Dương.

Báo cáo khẳng định những nền kinh tế với tỉ lệ tiêm phòng trên 30% dự kiến phục hồi nhanh hơn với mức tăng trưởng 6,3% trong năm 2021 – cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng chung của cả khối. 

“Nhờ vắc-xin được phân phối nhanh chóng, nhiều nền kinh tế đã có vị trí tốt để phục hồi từ cuộc khủng hoảng chưa từng có” – Tổng Thư ký PECC Eduardo Pedrosa nói.

Trong khi đó, đồng chủ tịch PECC Zhan Yongxin nhấn mạnh cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới kết thúc và có lý do để lo lắng về những đợt bùng phát mới cũng như khả năng tiếp cận vắc-xin bình đẳng. Theo ông Zhan, sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế khu vực phụ thuộc vào khả năng giải quyết vấn đề này của các nhà lãnh đạo.


Cao Lực

Chia sẻ