Bộ Y tế Campuchia xác nhận người phụ nữ nhiễm Omicron nêu trên sinh ra tại TP Bavet, tỉnh Svay Rieng. Cô bay từ Ghana đến Dubai rồi sau đó, bay từ Dubai đến Thái Lan trước khi bay từ Thái Lan về Campuchia.

Người phụ nữ này được cho là mang thai 15 tuần và trở về Campuchia vào ngày 12-12.

Sau khi phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên, Bộ Y tế Campuchia kêu gọi người dân cực kỳ cẩn trọng và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.

Một người phụ nữ Campuchia được tiêm liều vắc-xin Covid-19 bổ trợ ở tỉnh Battambang. Ảnh: Khmer Times

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 14-12 cảnh báo Omicron đang lây lan với tốc độ nhanh chưa từng thấy và nhiều khả năng đã xuất hiện tại phần lớn các nước.

“Đến giờ, đã có 77 quốc gia ghi nhận các ca nhiễm liên quan đến Omicron. Thực tế là Omicron có lẽ đã xuất hiện tại phần lớn các nước…Omicron đang lây lan với tốc độ mà chúng ta chưa từng thấy ở những biến thể khác” – ông Ghebreyesus nói.

Giới khoa học cần thêm dữ liệu để biết rõ mức độ nguy hiểm của Omicron. Dù vậy, ông Ghebreyesus nhấn mạnh kể cả khi biến thể này không gây ra các triệu chứng nặng, số ca nhiễm gia tăng cũng có thể khiến các hệ thống y tế bị quá tải.

Ông Ghebreyesus khẳng định WHO ủng hộ chiến dịch tiêm liều bổ trợ miễn là quá trình phân phối vắc-xin diễn ra công bằng.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters

“WHO không phản đối liều tiêm tăng cường. Chúng tôi phản đối tình trạng bất bình đẳng vắc-xin. Mục tiêu chính của chúng tôi là cứu sống sinh mạng, ở mọi nơi…Ưu tiên ở mọi quốc gia và trên toàn thế giới phải là bảo vệ những ai ít được bảo vệ nhất, không phải những ai được bảo vệ nhiều nhất” – ông Ghebreyesus nói.

Omicron đã làm dấy lên những lo ngại rằng biến thể này có thể gây ra đợt bùng phát dịch mới trên toàn thế giới, khiến nhiều nước ban bố lệnh hạn chế đi lại với nhiều quốc gia ở miền Nam của châu Phi.


Cao Lực

Chia sẻ