Vào ngày 31-3-1931, Quốc hội Mỹ tuyên bố “Star-Spangled Banner” là quốc ca của Mỹ. Kể từ đó, toàn bộ công dân và doanh nghiệp Mỹ được phép sử dụng bài hát này mà không phải lo về vấn đề bản quyền.

Không ai sở hữu bản quyền ca từ và bản nhạc đi kèm của “Star-Spangled Banner”, vốn đều ra đời từ thế kỷ XIX. Luật pháp Mỹ cho phép mọi cá nhân sản xuất bản hát lại (cover) của “Star-Spangled Banner” mà không cần xin phép bản quyền từ bất kỳ ai.

Dù vậy, bản quyền quốc ca vẫn là một vấn đề phức tạp tại Mỹ, bởi quyền tái sản xuất, quyền xuất bản và quyền biểu diễn vẫn được áp dụng.

Chẳng hạn, khi quốc ca Mỹ được biểu diễn hoặc thu âm trong một trận đấu được phát sóng của Giải Bóng bầu dục quốc gia Mỹ (NFL), NFL sẽ sở hữu quyền tái sản xuất, quyền xuất bản và quyền biểu diễn đối với màn trình diễn riêng biệt này. Quy định tương tự áp dụng với quốc ca được biểu diễn hoặc thu âm bởi những tổ chức khác, như Liên đoàn Bóng chày Mỹ, Hiệp hội Bóng rổ quốc gia Mỹ…

Khi quốc ca được biểu diễn hoặc thu âm trong một trận đấu được phát sóng của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Mỹ (NBA), NBA sẽ sở hữu quyền tái sản xuất, quyền xuất bản và quyền biểu diễn đối với màn trình diễn riêng biệt này. Ảnh: Reuters

Tại Úc, Khối thịnh vượng chung sở hữu bản quyền ca từ của quốc ca Úc và một số bản phối nhất định của tác phẩm này. Là phía nắm giữ bản quyền, Khối thịnh vượng chung có quyền cho phép bên thứ 3 sản xuất lại, biểu diễn hoặc truyền tải quốc ca Úc đến công chúng.

Với những trường hợp sử dụng quốc ca Úc vì mục đích thương mại, họ phải nhận được sự cho phép của Khối thịnh vượng chung kể cả khi sử dụng một đoạn, chỉ sử dụng phần lời hoặc phần nhạc.

Trong khi đó, luật pháp Singapore quy định quốc ca chỉ được hát hoặc biểu diễn trong những dịp phù hợp. Những cá nhân biểu diễn hoặc hát quốc ca phải biểu diễn hoặc hát theo đúng bản gốc hoặc bản phối lại đáp ứng được những điều kiện nghiêm ngặt về giai điệu và ca từ.


Cao Lực

Chia sẻ