Theo hai quan chức cấp cao chính phủ, Tổng thống Joko Widodo hôm 29-6 chủ trì cuộc họp nội bộ thảo luận chi tiết về biện pháp mới. Một thành viên của Ủy ban Y tế Quốc hội nói với tờ The Straits Times rằng các biện pháp mới có khả năng yêu cầu tất cả người lao động trong lĩnh vực không thiết yếu làm việc tại nhà và cấm người dân ăn tối ở các nhà hàng.

Nghị sĩ này cho biết việc đi lại bằng đường hàng không trong nước sẽ chỉ dành cho những ai đã được chủng ngừa hoặc kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2. Trước đó, giới chức y tế đã kêu gọi chính phủ áp đặt lệnh phong tỏa cứng rắn ít nhất 2 tuần vì các bệnh viện đã quá tải.

Các nhân viên đeo khẩu trang chuyển bình ôxy lên xe bán tải ở thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 29-6. Ảnh: REUTERS

Indonesia hôm 28-6 ghi nhận 20.700 ca mắc mới và 423 ca tử vong trong một ngày, nâng tổng ca nhiễm và tử vong lên lần lượt là hơn 2,1 triệu và 57.500 người. Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) hôm 29-6 cảnh báo Indonesia đang trên “bờ vực thảm họa” và kêu gọi tăng cường khẩn cấp hoạt động chăm sóc y tế, xét nghiệm và tiêm chủng trước nguy cơ sụp đổ của hệ thống y tế cũng như thiếu hụt nguồn cung ôxy ở thủ đô Jakarta và các khu vực khác.

Indonesia cũng phải hoãn mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế tại Bali. Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế Văn hóa Sandiaga Uno cho biết tuy có khoảng 71% người dân ở Bali được tiêm liều vắc-xin Covid-19 đầu tiên nhưng du khách quốc tế chỉ được phép trở lại hòn đảo này khi tình hình dịch bệnh thuyên giảm.

Indonesia không phải là nước duy nhất trong khu vực gia hạn biện pháp phong tỏa. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cũng quyết định gia hạn các hạn chế đi lại và kinh doanh ở thủ đô Manila cũng như các tỉnh lân cận đến ngày 15-7, đồng thời duy trì các lệnh cấm nghiêm ngặt hơn ở những khu vực miền Trung và Nam.

Philippines hiện ghi nhận hơn 1,4 triệu ca mắc và hơn 24.500 ca tử vong. Tại Thái Lan, dịch bệnh tiếp tục phức tạp khi ghi nhận thêm 36 ca tử vong và 4.662 ca mắc mới hôm 29-6. 


Xuân Mai

Chia sẻ