Lạm phát ở Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm qua vào tháng 7-2022 khi giá thực phẩm và năng lượng tăng vọt, gây sức ép lớn đối với các hộ gia đình.

Theo báo cáo do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh công bố hôm 17-8, chỉ số giá tiêu dùng tăng 10,1%, cao hơn mức dự báo là 9,8% và tăng từ mức 9,4% trong tháng 6. Lạm phát cơ bản – không bao gồm chi phí năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá – ở mức 6,2%, tăng từ mức 5,8% trong tháng 6 và cao hơn dự báo là 5,9%.

Ngân hàng Trung ương Anh đã có 6 lần tăng lãi suất liên tiếp để kiềm chế lạm phát và đầu tháng 8 này đã có mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1995. Ông Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE), cho biết đã chuẩn bị các đợt tăng lãi suất trong tương lai.

Ông Richard Carter, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu lãi suất cố định tại Quilter Cheviot (Anh), nhận định BOE sẽ tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm trong tháng 9 tương tự đầu tháng này với nỗ lực chống lạm phát và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ trở nên tồi tệ hơn trước khi được kiểm soát. 

BOE cảnh báo Anh sẽ bước vào cuộc suy thoái dài nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu trong quý IV/2022. BOE cũng dự báo lạm phát sẽ đạt 13,3% vào tháng 10. Các ứng viên chạy đua tranh vị trí thủ tướng Anh gồm Liz Truss và Rishi Sunak cũng đang đối mặt áp lực ngày càng cao trong việc đưa ra các giải pháp triệt để cho cuộc khủng hoảng giá sinh hoạt cao lịch sử ở nước Anh.

Theo BOE, giá năng lượng tăng vọt ở châu Âu là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát và có khả năng đẩy Anh vào một cuộc suy thoái kéo dài. Hàng triệu hộ gia đình ở Anh sẽ còn chật vật với các hóa đơn tăng giá trong khi các siêu thị khuyến cáo khách hàng chuyển sang mua sắm những thương hiệu rẻ hơn.

Nhân viên sắp xếp sản phẩm bên trong một siêu thị ở khu vực Richmond, thủ đô London – Anh Ảnh: Reuters

Không chỉ Anh xem việc giải quyết lạm phát là ưu tiên hàng đầu, Tổng thống Joe Biden đã ký thông qua dự luật trị giá 750 tỉ USD nhằm kiềm chế lạm phát, song song giải quyết vấn đề khí hậu và giảm giá thuốc theo đơn.

Đảng Dân chủ cho rằng đạo luật sẽ giúp giảm lạm phát bằng cách giảm thâm hụt liên bang dù các nhà kinh tế độc lập cho rằng cần nhiều năm để thấy được kết quả của biện pháp này. Trong khi đó, Đảng Cộng hòa chỉ trích đạo luật vì cho rằng chúng không mấy hiệu quả trong việc hạ giá mặt hàng trong nước.

 Lạm phát của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 4 thập niên, tác động không chỉ những người có thu nhập thấp mà còn với người có thu nhập cao hơn. Tập đoàn Walmart – nhà bán lẻ lớn nhất của Mỹ vốn dành cho những người có mức chi tiêu hạn chế – cho biết ngày càng nhiều khách hàng thuộc tầng lớp có thu nhập trung bình và cao hơn chuyển sang mua sắm tại Walmart trong quý II/2022.

Tại Nhật Bản, do ảnh hưởng bởi lạm phát nhiên liệu toàn cầu và giá đồng yen suy giảm, kim ngạch nhập khẩu đã tăng lên mức kỷ lục trong tháng 7, cao hơn xuất khẩu và gây thâm hụt thương mại nặng nề hơn. Trong khi một số dữ liệu cho thấy khả năng phục hồi của kinh tế Nhật Bản, các nhà hoạch định chính sách kêu gọi hành động nhiều hơn nữa để kích thích nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới đang phải vật lộn với tác động từ đại dịch Covid-19 và triển vọng kinh tế toàn cầu giảm sút.

Dữ liệu của Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 17-8 cho thấy kim ngạch xuất khẩu đã tăng 19% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng 17 tháng liên tiếp và cao hơn mức dự báo là 18,2%. Theo Reuters, kim ngạch nhập khẩu tăng 47,2% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục 10.200 tỉ yen (tương đương 76,06 tỉ USD) do chi phí dầu thô, than và khí tự nhiên hóa lỏng tăng vọt. Số liệu nhập khẩu mới lấn át cả xuất khẩu, đẩy thâm hụt thương mại của Nhật Bản lên 1.436,8 tỉ yen trong tháng 7. 


Xuân Mai