United Airlines và những hãng hàng không khác sau đó đã ngừng khai thác mọi máy bay sử dụng cùng động cơ Pratt & Whitney của chiếc Boeing 777 gặp sự cố nói trên.

Cũng trong ngày 22-2, hãng Delta Air Lines (Mỹ) thông báo chiếc Boeing 757-200 bay từ TP Atlanta đến TP Seattle phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay quốc tế Salt Lake vì trục trặc động cơ. Reuters dẫn nguồn thạo tin cho biết vấn đề của chuyến bay DL2123 này không giống với vấn đề mà chuyến bay 328 của United Airlines gặp phải.

Ảnh chụp động cơ trên chiếc Boeing 777 của United Airlines sau sự cố hôm 20-2Ảnh: REUTERS

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Giao thông Vận tải quốc gia Mỹ (NTSB) Robert Sumwalt khẳng định kết quả đánh giá ban đầu cho thấy hư hại trên quạt của động cơ Pratt & Whitney trùng khớp với hiện tượng “mỏi kim loại”. Về phần mình, Công ty Pratt & Whitney (Mỹ) cho biết họ đang hợp tác với cuộc điều tra của NTSB và sẽ tiếp tục làm việc để bảo đảm an toàn.

Theo giới chuyên gia hàng không, sự cố ở TP Denver đã làm dấy lên nhiều câu hỏi liên quan đến quá trình bảo dưỡng động cơ. “Sau nhiều năm hoạt động, vấn đề nhiều khả năng không nằm ở khâu thiết kế động cơ. Chắc chắn phải liên quan đến quá trình bảo dưỡng” – nhà phân tích Richard Aboulafia của Công ty Teal Group (Mỹ) nhận định.

Cuối năm ngoái, hãng Boeing dường như sắp vượt qua một trong những thách thức lớn nhất lịch sử công ty khi nhà chức trách Mỹ gỡ lệnh cấm bay 20 tháng đối với dòng 737 MAX liên quan đến 2 vụ tai nạn khiến tổng cộng 346 người thiệt mạng.

Giờ đây, Boeing đang phải đối mặt với một vấn đề có lẽ còn nghiêm trọng hơn về dài hạn: Thị trường máy bay thân rộng đang gặp khó. Theo đài CNN, thách thức này càng thêm nghiêm trọng sau sự cố ở TP Denver nói trên. Theo Boeing, toàn bộ 128 máy bay 777 sử dụng động cơ Pratt & Whitney đã tạm ngưng hoạt động, trong đó có 69 chiếc đang được khai thác.


Cao Lực

Chia sẻ