Trong cuộc họp trực tuyến hôm 18-2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cùng những người đồng cấp Marise Payne (Úc), S. Jaishankar (Ấn Độ) và Toshimitsu Motegi (Nhật Bản) một lần nữa phản đối các hành vi đơn phương của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng của 2 vùng biển nêu trên, theo hãng tin Jiji Press.

Các bộ trưởng cũng nhất trí về việc hợp tác để đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Bộ trưởng Motegi đặc biệt quan ngại Luật Hải cảnh Trung Quốc được Bắc Kinh thông qua hồi tháng trước. Trong khuôn khổ của bộ luật có hiệu lực từ ngày 1-2, hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng vũ khí chống lại những cá nhân và tổ chức nước ngoài bị xem là xâm phạm chủ quyền hay quyền tài phán của Bắc Kinh tại những vùng biển do họ đơn phương tuyên bố chủ quyền.

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi đặc biệt lo ngại Luật Hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Bên cạnh đó, các bộ trưởng còn thảo luận về tình hình Myanmar – nơi quân đội nước này đảo chính, giành quyền kiểm soát đất nước vào đầu tháng 2.

Các bộ trưởng kêu gọi trả tự do ngay tức thì cho những nhân vật bị bắt giữ, trong đó có lãnh đạo Aung San Suu Kyi, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhanh chóng khôi phục dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết các bộ trưởng cũng đã thảo luận về kế hoạch hợp tác để đối phó đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cùng những thách thức toàn cầu khác, như tin giả và chủ nghĩa chống khủng bố, trước khi thể hiện sự ủng hộ chung đối với vai trò trung tâm của ASEAN.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz hoạt động trên biển Đông hôm 9-2-2021. Ảnh Hải quân Mỹ

Lệnh trừng phạt của Anh, Canada

Cũng trong ngày 18-2, Anh và Canada áp lệnh trừng phạt lên các tướng lĩnh cầm quyền Myanmar liên quan đến cuộc đảo chính.

Trong khi Canada thông báo sẽ nhắm mục tiêu 9 quan chức quân đội, Anh tuyên bố sẽ đóng băng tài sản và áp lệnh cấm đi lại nhằm vào 3 tướng lĩnh với những cáo buộc liên quan đến vi phạm nhân quyền để “mang lại công lý cho người dân Myanmar”.

Trước đó, Anh đã ban bố các biện pháp trừng phạt nhằm vào Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing, cáo buộc ông vi phạm nhân quyền đối với cộng đồng Hồi giáo Rohingya cùng những nhóm dân tộc thiểu số khác.

Người dân Myanmar biểu tình, yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar từ bỏ quyền lực và trả tự do cho lãnh đạo Aung San Suu Kyi. Ảnh: Reuters


Cao Lực

Chia sẻ