Bà Yellen đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những hậu quả có thể xảy ra trên thị trường tài chính nếu trần nợ công không được nâng lên vào đầu tháng 6 khi bà cho rằng chính phủ liên bang có thể thiếu tiền mặt để thanh toán các hoá đơn. Bà Yellen nói rằng các cuộc đàm phán về vấn đề này không nên diễn ra “với họng súng chĩa vào đầu người dân Mỹ”.

Bà Yellen nhấn mạnh: “Công việc của quốc hội là làm việc này. Nếu họ không làm điều đó, chúng ta sẽ gặp phải một thảm họa kinh tế và tài chính do chính chúng ta gây ra. Chúng ta không nên đi xa đến mức phải xem xét liệu Tổng thống Biden có thể tiếp tục phát hành thêm nợ mà không cần quốc hội nâng trần nợ hay không. Đó sẽ là một cuộc khủng hoảng hiến pháp”.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden cũng đang chuẩn bị cho cuộc gặp các lãnh đạo quốc hội tại Nhà Trắng vào ngày 9-5 để giải quyết tranh cãi về trần nợ công. Ông Biden cũng khẳng định ông sẽ không đàm phán về việc tăng trần nợ nhưng sẽ thảo luận về việc cắt giảm ngân sách sau khi giới hạn mới được thông qua.

  • Mỹ tranh cãi nảy lửa về trần nợ công

  • “Danh sách tử thần” trong hệ thống ngân hàng Mỹ

  • “Cơn ác mộng” khủng hoảng ngân hàng trở lại dữ dội hơn

Quốc hội Mỹ thường kết hợp việc tăng trần nợ với các biện pháp chi tiêu và ngân sách khác. Theo Reuters, mức trần nợ hiện tại tương đương khoảng 120% sản lượng kinh tế hằng năm của Mỹ.

Khoản nợ của chính phủ đã đạt đến mức trần đó vào tháng 1 vừa qua. Đến tháng 7 hoặc tháng 8 năm nay, Washington có thể phải ngừng vay hoàn toàn.

Với kịch bản đó, bất ổn có thể lan khắp thị trường tài chính toàn cầu khi các nhà đầu tư hoài nghi về giá trị của trái phiếu Mỹ, vốn được xem là một trong những khoản đầu tư an toàn nhất và đóng vai trò quan trọng cho hệ thống tài chính thế giới.

Phó Bộ trưởng Tài chính Wally Adeyemo cũng nhấn mạnh những rủi ro trong kịch bản vỡ nợ. Ông Adeyemo cho hay: “Vỡ nợ là thảm họa đối với Mỹ. Nếu chúng ta vỡ nợ, nó sẽ có tác động khủng khiếp đến lãi suất”.


Xuân Mai