Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nhấn mạnh với hãng tin Reuters: “Sự hiện diện liên tục của các lực lượng dân quân Trung Quốc trong khu vực cho thấy ý định chiếm đóng thêm các khu vực ở Biển Tây Philippines. Họ đã từng làm điều này ở bãi cạn Scarborough và khu vực đá Vành Khăn, vi phạm chủ quyền Philippines và luật pháp quốc tế”.

Biển Tây Philippines là cách Manila gọi biển Đông, còn Đá Vành khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đây là tuyên bố cứng rắn thứ hai của ông Lorenzana chỉ trong vòng hai ngày khi ông lặp lại lời yêu cầu tàu thuyền Trung Quốc đang neo đậu trái phép rời khỏi bãi Ba Đầu (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam).

Một số trong hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu gần bãi Ba Đầu. Ảnh: AP

Các nhà ngoại giao Trung Quốc cho biết những chiếc tàu neo đậu gần bãi Ba Đầu với số lượng hơn 200 chiếc là để trú ẩn để tránh biển động và không có lực lượng dân quân nào trên tàu.

Hôm 3-4, Bộ trưởng Lorenzana cho biết vẫn còn 44 tàu Trung Quốc ở bãi Ba Đầu mặc dù điều kiện thời tiết trên biển đã được cải thiện. Ông Lorenzana nói: “Họ không có lý do gì để ở lại đó”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã phản hồi các bình luận của ông Lorenzana, cho rằng việc các tàu Trung Quốc đánh cá trong khu vực và trú ẩn gần bãi Ba Đầu trong tình trạng biển động là “hoàn toàn bình thường”. Cơ quan này còn khẳng định “không ai có quyền đưa ra những nhận xét tùy tiện về những hoạt động như vậy”.

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: Reuters

Trước thông tin hơn 200 tàu Trung Quốc neo đậu tại bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, ngày 25-3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với UNCLOS.

Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của UNCLOS về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải của quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử giữa ASEAN và Trung Quốc ở biển Đông (COC)”.

Một tòa án quốc tế năm 2016 đã vô hiệu hóa yêu sách của Trung Quốc với 90% biển Đông nhưng Bắc Kinh không công nhận phán quyết.


Huệ Bình

Chia sẻ