Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian đăng ngày 20-9, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi kêu gọi các nước châu Âu lên tiếng chống lại sự lấn lướt của Trung Quốc.

Ông Kishi cho rằng Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên về chính trị, kinh tế, quân sự và cố gắng sử dụng sức mạnh đó để đơn phương thay đổi nguyên trạng tại biển Đông và biển Hoa Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh: “Tokyo có những quan ngại mạnh mẽ về sự an toàn và an ninh của không chỉ đất nước chúng tôi và khu vực mà còn đối với cộng đồng toàn cầu. Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự về cả chất lượng lẫn số lượng và đang cải thiện nhanh chóng năng lực hoạt động”.

Theo ông Kishi, Trung Quốc “cố gắng dùng sức mạnh để đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông”.

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi cho biết Trung Quốc “cố gắng sử dụng sức mạnh để đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Đông và biển Hoa Đông”. Ảnh: Reuters

Phát ngôn của ông Kishi là một tín hiệu mạnh mẽ cho thấy mối quan ngại gia tăng của quốc tế đối với tham vọng quân sự của Trung Quốc tại các khu vực tranh chấp như biển Đông, biển Hoa Đông, biên giới Ấn Độ và đặc biệt là eo biển Đài Loan.

Trao đổi với The Guardian trước khi liên minh Aukus của Mỹ – Anh – Úc được công bố (ngày 15-9), ông Kishi nói rằng Nhật Bản đã nhận được sự đồng thuận và hợp tác từ nhiều nước nhưng cần có thêm nữa để có thể đương đầu với Bắc Kinh.

Ông Kishi cho biết nghị viện châu Âu, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan đều thể hiện sự ủng hộ “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhưng điều quan trọng là “nhiều quốc gia phải lên tiếng về tình hình này và chính điều này sẽ tự trở thành một sự răn đe”.

Hồi tháng 4 năm nay, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố căng thẳng ở biển Đông là sự đe dọa đối với hòa bình và ổn định khu vực, khi tàu chiến Pháp tham gia tập trận cùng Mỹ và Nhật, còn Đức gần đây cũng gửi tàu chiến đầu tiên tới biển Đông sau hai thập kỷ.

Tuần trước, một báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới cũng cho thấy Trung Quốc là trung tâm trong các lo ngại của phía EU nhưng EU vẫn lựa chọn cách tiếp cận thận trọng.

Bộ trưởng Kishi cho biết gần đây ông đã gặp nhiều đối tác nước ngoài và các bên đều chia sẻ rằng điều đang xảy ra tại biển Hoa Đông và Biển Đông không chỉ là vấn đề của khu vực mà còn là vấn đề của cộng đồng quốc tế.

Theo số liệu của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản, số lượng các cuộc “xâm nhập” của tàu Trung Quốc vào các khu vực tranh chấp đã tăng đáng kể từ năm 2012. Đầu năm nay, Nhật Bản phát hiện các tàu Trung Quốc gần quần đảo Senkaku/ Điếu Ngư với tần suất kỷ lục là 157 ngày liên tiếp.


Huệ Bình

Chia sẻ