Lực lượng an ninh Myanmar hôm 6-3 đã sử dụng hơi cay và lựu đạn khói để giải tán cuộc biểu tình ở Yangon – TP lớn nhất Myanmar. Nhiều cuộc biểu tình cũng đã diễn ra ở một số nơi khác trên khắp Myanmar như thủ phủ Myitkyina thuộc bang Kachin, thủ phủ Loikaw ở bang Kayah; các TP Kyaikto, Myingyan, Dawei và Myeik.

Phía quân đội Myanmar cho biết họ đã kiềm chế trong việc ngăn chặn các cuộc biểu tình nhưng cũng khẳng định sẽ không cho phép các phong trào phản đối đe dọa sự ổn định. Hơn 50 người biểu tình đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp của cảnh sát; chỉ tính riêng hôm 3-3, số nạn nhân là 38 người, theo Liên Hiệp Quốc.

Những người biểu tình tiếp tục xuống đường kêu gọi trả tự do cho nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi, yêu cầu quân đội tôn trọng kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm ngoái.

Cảnh sát chống bạo động bắn hơi cay giải tán người biểu tình tại thị trấn Tharkata, ngoại ô TP Yangon – Myanmar hôm 6-3. Ảnh: AP

Những vụ người biểu tình thiệt mạng trong các cuộc trấn áp của lực lượng an ninh tại Myanmar đã gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chia sẻ trên mạng Twitter rằng hành động bạo lực đối với người dân Myanmar phải chấm dứt ngay lập tức, kêu gọi trả tự do cho bà Suu Kyi và những người bị giam giữ khác, đồng thời khôi phục nền dân chủ tại quốc gia Đông Nam Á này.

Trong khi đó, Mỹ và một số nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới lên giới lãnh đạo quân sự Myanmar. Nhà điều tra nhân quyền độc lập của Liên Hiệp Quốc Thomas Andrews kêu gọi cấm vận vũ khí toàn cầu đối với Myanmar và thực hiện các lệnh trừng phạt về kinh tế. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener hôm 5-3 kêu gọi Hội đồng Bảo an cần hành động khẩn cấp nhằm thúc đẩy việc chấm dứt bạo lực và khôi phục các thể chế dân chủ tại Myanmar.

Hơn 600 cảnh sát Myanmar cũng đã tham gia biểu tình chống lại chính quyền quân sự. Số cảnh sát từ chức tăng mạnh khi chính quyền quân sự Myanmar tăng cường sử dụng bạo lực đối với người biểu tình từ cuối tháng 2. Những người từ bỏ chức vụ tham gia biểu tình, phản đối chính quyền đến từ nhiều lực lượng như cảnh sát thuộc cục điều tra hình sự, đặc nhiệm, cảnh sát an ninh du lịch. Một số đơn từ chức của cảnh sát cho biết họ không muốn thực hiện mệnh lệnh của hội đồng quân sự và từ chức để đứng về phía người dân, đồng thời cho rằng họ chỉ chấp nhận một chính phủ được bầu.

Trong bối cảnh leo thang căng thẳng ở Myanmar, lực lượng an ninh Ấn Độ hôm 5-3 đã tăng cường tuần tra ở khu vực biên giới với Myanmar để ngăn người vượt biên. Động thái này diễn ra sau khi một số cảnh sát Myanmar đào tẩu sang Ấn Độ do không muốn tuân theo lệnh trấn áp người biểu tình. Một cảnh sát tại bang Mizoram cho biết khoảng 30 người Myanmar, gồm các cảnh sát và người thân của họ, đã vượt biên sang Ấn Độ trong những ngày gần đây. Quan chức Ấn Độ nhận định việc người Myanmar vượt biên, đặc biệt là cảnh sát, đẩy Ấn Độ vào tình huống khó khăn do cân bằng trong ngoại giao là điều rất quan trọng.

Phản ứng trước tình trạng trên, chính quyền quân sự Myanmar yêu cầu Ấn Độ trao trả các cảnh sát đã vượt biên sang nước này xin tị nạn để không phải thực thi mệnh lệnh quân đội. 


Xuân Mai

Chia sẻ