Reuters dẫn lời nhân chứng cho biết 2 người đã thiệt mạng và một số người bị thương do cảnh sát nổ súng vào đám đông biểu tình tại TP Mandalay. Truyền thông địa phương đưa tin một người khác bị giết ở thị trấn Pyay và 2 người chết trong vụ cảnh sát nổ súng ở TP Yangon. Nhóm giám sát Hiệp hội Hỗ trợ tù nhân chính trị (AAPP, trụ sở tại Myanmar) thống kê hơn 70 người đã thiệt mạng liên quan tới làn sóng biểu tình phản đối đảo chính.

Biểu tình bùng nổ hôm 13-3 giữa thời điểm các nhà hoạt động kêu gọi tổ chức lễ tưởng niệm sinh viên tên Phone Maw – bị lực lượng an ninh Myanmar bắn chết tại khuôn viên Học viện Công nghệ Rangoon hồi năm 1988. Vụ việc gây ra làn sóng chống chính quyền quân sự được gọi là “Chiến dịch 8-8-88” vì đạt đỉnh vào tháng 8 năm đó. Ước tính 3.000 người đã thiệt mạng khi quân đội dập tắt cuộc nổi dậy.

Người biểu tình ở TP Mandalay cầm ảnh của bà Suu Kyi hôm 12-3 Ảnh: REUTERS

Các nhà lãnh đạo Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản hôm 12-3 tuyên bố sẽ làm việc cùng nhau để khôi phục nền dân chủ ở Myanmar. Sau khi quân đội đảo chính hôm 1-2, họ bắt giữ lãnh đạo dân sự Aung San Suu Kyi cùng một số nhân vật cấp cao của Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ ().

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington đang tìm cách liên lạc với bà Suu Kyi sau khi 2 quan chức chết trong lúc bị giam giữ. Bà Suu Kyi được nhìn thấy lần cuối tại phiên tòa hôm 1-3 và không rõ đang bị giam giữ ở đâu. 


N.Phạm

Chia sẻ