Các cố vấn chính trị của Nga, Ukraine, Pháp và Đức sẽ đàm phán “4 bên” về tình hình Đông Ukraine ở thủ đô Paris – Pháp vào ngày 25-1 giữa lúc căng thẳng Nga – phương Tây về Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Sáu tàu đổ bộ của Nga có khả năng chở binh sĩ, xe tăng chiến đấu chủ lực và các phương tiện quân sự khác đã di chuyển đến Địa Trung Hải hồi giữa tháng này, giới quan sát tiết lộ với báo The Guardian, đồng thời cho rằng đợt triển khai này có thể hỗ trợ một cuộc đổ bộ vào bờ biển phía Nam của Ukraine nếu Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh.

Theo các nhà phân tích và giới chức phương Tây, một lực lượng quân sự hùng hậu, bao gồm tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander và các hệ thống phòng không, cũng đã được điều động đến Belarus từ quân khu phía Đông của Nga trong một động thái “bất thường” có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc tấn công nhằm vào thủ đô Kiev – Ukraine.

Quân nhân Ukraine tại vị trí chiến đấu gần ranh giới ngăn cách với lực lượng do Nga hậu thuẫn ở khu vực Donetsk hôm 22-1 Ảnh: REUTERS

Hiện chưa rõ liệu Moscow có tấn công Ukraine hay không và nếu có, quy mô cũng như mục tiêu cuối cùng là gì. Tuy nhiên, không ít nhà phân tích cho rằng mục tiêu lớn hơn của Điện Kremlin là buộc chính phủ Ukraine tuân theo các điều khoản của họ nhằm tái thiết lập phạm vi ảnh hưởng của Moscow trên khắp Đông Âu. Nga dường như đang hoàn tất giai đoạn chuẩn bị cho một cuộc tấn công.

Tuy nhiên, ngay cả khi cuộc tấn công này không bao giờ diễn ra, chuyên gia Angela Stent của Trường ĐH Georgetown (Mỹ) nhận định tình hình có thể sẽ không bao giờ trở lại như trước thời điểm tháng 4-2021, khi Nga bắt đầu tăng cường hiện diện quân sự tại biên giới Ukraine.

Giữa lúc Nga đưa quân ồ ạt đến biên giới Ukraine, Mỹ và các nước châu Âu tích cực hỗ trợ quốc gia này củng cố năng lực quốc phòng. London tuần trước đã chuyển cho Kiev hơn 2.000 bộ phóng tên lửa chống tăng hạng nhẹ thế hệ mới. Estonia tuyên bố sẽ cung cấp tên lửa chống tăng Javelin cho Ukraine còn Lithuania và Latvia thông báo sẽ viện trợ tên lửa phòng không Stinger cho quốc gia này.

Tuyên bố tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine, Mỹ khẳng định sẽ triển khai lượng trực thăng vận tải Mi-17 vốn được lên kế hoạch sử dụng ở Afghanistan đến quốc gia này.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht ngày 22-1 thông báo quốc gia của bà sẽ không viện trợ vũ khí cho Ukraine, lập luận rằng nước đi này “không hữu ích ở thời điểm hiện tại”. Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cùng ngày thể hiện sự “thất vọng” với tuyên bố nêu trên, đồng thời nhấn mạnh lời từ chối cung cấp vũ khí của Berlin “không phù hợp với tình hình an ninh hiện tại”.

Cũng trong ngày 22-1, Bộ Ngoại giao Anh tuyên bố có thông tin tình báo về việc Điện Kremlin muốn cài lãnh đạo thân Nga ở Ukraine, với nhiều ứng viên tiềm năng đang được xem xét gồm: cựu nghị sĩ Ukraine Yevhen Murayev, cựu Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov… Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss cảnh báo Nga về hậu quả nghiêm trọng nếu quốc gia này không từ bỏ dự định và xuống thang căng thẳng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 23-1 đã phản ứng mạnh mẽ với điều mà họ mô tả là “hành vi khiêu khích” và “tuyên truyền thông tin bịa đặt” của Bộ Ngoại giao Anh. Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh đây là một bằng chứng cho thấy các nước thành viên NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) mới là phía khiến căng thẳng ở Ukraine leo thang, theo hãng tin TASS. 


CAO LỰC

Chia sẻ