Truyền thông Azerbaijan đưa tin thỏa thuận ngừng bắn đã bị phá vỡ vào đầu ngày 13-9. Theo chính quyền Armenia, một số thị trấn gần biên giới với Azerbaijan, bao gồm Jermuk, Goris và Kapan, đã bị pháo kích trong sáng sớm 13-9. Phía Armenia đã đáp trả lại “hành động khiêu khích quy mô lớn” của Azerbaijan.

Bộ Quốc phòng Armenia thông báo tính đến 4 giờ ngày 13-9, tình hình dọc biên giới với Azerbaijan vẫn ở mức “cực kỳ căng thẳng”.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cáo buộc Azerbaijan tấn công các thị trấn ở Armenia vì không muốn đàm phán về tình trạng của vùng đất Nagorno-Karabakh.

Các vụ tấn công bằng pháo và máy bay không người lái đã được cư dân Armenia ở các thành phố Vardenis, Jermuk, Goris và Tatev báo cáo ngay sau nửa đêm 12-9.

Đợt đụng độ mới bùng lên giữa Azerbaijan và Armenia liên quan đến vùng đất Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP

Cũng theo Azerbaijan, các lực lượng Armenia đã tham gia hoạt động tình báo ở biên giới Azerbaijan, chuyển vũ khí vào khu vực vào đêm 12-9 và bắt đầu cài mìn ở đây. Azerbaijan nhấn mạnh các vị trí quân sự của nước này đang bị Armenia tấn công.

Azerbaijan cũng cho biết Armenia bắt đầu các cuộc khiêu khích lan rộng chống lại các lực lượng vũ trang Azerbaijan và lực lượng này đáp trả bằng hỏa lực dữ dội vào các vị trí của Armenia.

Armenia và Azerbaijan đã có mâu thuẫn chủ quyền kể từ khi tuyên bố độc lập khỏi Liên Xô, chủ yếu là tranh chấp về Nagorno Karabakh. Nagorno-Karabakh nằm trong Azerbaijan với hơn 90% cư dân là người Armenia.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã triệu tập một cuộc họp hội đồng an ninh khẩn cấp sáng sớm ngày 13-9 sau diễn biến nóng mới nổ ra dọc theo biên giới với Azerbaijan. Ông Pashinyan nói rằng “cường độ thù địch đã giảm” nhưng các cuộc tấn công từ Azerbaijan vẫn tiếp tục.

Thông cáo của Armenia sau cuộc họp an ninh quốc gia do Thủ tướng Pashinyan chủ trì cho biết nước này “quyết định chính thức thỉnh cầu lên Liên bang Nga để thực hiện các điều khoản của Hiệp ước Hữu nghị, Hợp tác và Tương trợ, cũng như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc”.

Armenia vẫn chưa gửi bất kỳ thỉnh cầu chính thức nào và chưa rõ loại trợ giúp nào mà nước này yêu cầu. Theo đài RT, cả Nga và Armenia đều là thành viên của CSTO – một hiệp ước phòng thủ chung tương tự như NATO do Mỹ đứng đầu. CSTO bao gồm 6 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, trong đó có cả Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở Nagorno-Karabakh vào tháng 11-2020. Ảnh: Reuters

Trước đó, Thủ tướng của Armenia đã có các cuộc điện đàm riêng với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về xung đột giữa nước này với Azerbaijan.

Sáng 13-9, Bộ trưởng Quốc phòng Armenia và Nga nhất trí thực hiện các bước để ổn định tình hình ở biên giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Azerbaijan Jeyhun Bayramov và kêu gọi Armenia “ngừng các hành động khiêu khích”.

Việc bùng phát đụng độ ở biên giới Azerbaijan và Armenia dấy lên lo ngại rằng một cuộc chiến toàn diện có thể xảy ra. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lên tiếng: “Như chúng tôi đã nói rõ từ lâu, không thể có giải pháp quân sự cho cuộc xung đột. Chúng tôi kêu gọi chấm dứt mọi hành động thù địch quân sự ngay lập tức”.


Huệ Bình