Những khí tài quân sự vừa được Ấn Độ triển khai gồm trực thăng Chinook, súng trường và lựu pháo siêu nhẹ, bên cạnh tên lửa hành trình siêu thanh cùng một hệ thống trinh sát thế hệ mới.

Tất cả đều được Washington bàn giao trong những năm gần đây theo khuôn khổ của các thỏa thuận củng cố quan hệ quốc phòng song phương nhằm đối phó với mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Tư lệnh quân khu miền Đông Ấn Độ Manoj Pande khẳng định giày, áo giáp, pháo và các đơn vị hỗ trợ trên không đang được kết hợp để đảm bảo khả năng sẵn sàng tác chiến của lực lượng này.

Tư lệnh quân khu miền Đông Ấn Độ Manoj Pande. Ảnh: Twitter

Ấn Độ đang tập trung lực lượng ở cao nguyên Tawang tiếp giáp Bhutan và Tây Tạng, phần lãnh thổ do Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền nhưng New Delhi kiểm soát. Phương án tấn công của Ấn Độ dọc Cao nguyên Tawang cho phép quốc gia này đối phó với Trung Quốc giữa lúc Bắc Kinh tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực.

Việc chuẩn bị không chỉ dừng lại ở trang thiết bị. Các kỹ sư ở Ấn Độ đang đào đường hầm 2 làn dài nhất thế giới, cao hơn mực nước biển 4.000 m và chạy dưới một con đèo quan trọng hiện có thể tiếp cận thông qua một con đường dài 317 km đến biên giới tranh chấp.

Dự án này đang vượt tiến độ và có thể bắt đầu vận hành vào tháng 6-2022, theo Đại tá Prakshit Mehra, giám đốc dự án đường hầm.

“Đường hầm sẽ rút ngắn thời gian di chuyển vài giờ, giúp binh sĩ hành quân nhanh hơn và không bị cản trở quanh năm” – vị này khẳng định. Theo một chỉ huy quân đội giấu tên, đường hầm cho phép binh sĩ Ấn Độ di chuyển mà không lo bị Trung Quốc phát hiện.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: Reuters

Ấn Độ đã củng cố năng lực quốc phòng dọc biên giới với Trung Quốc sau đợt giao tranh đẫm máu nhất trong nhiều thập kỷ khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ và 4 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng vào năm ngoái.

Dù đã nhất trí đàm phán để giải tán lực lượng khỏi khu vực giao tranh, New Delhi và Bắc Kinh đến giờ vẫn chưa đạt được thỏa thuận rút binh sĩ ra khỏi “điểm nóng” gần khu vực Kashmir.

Theo chuyên gia Rajeswari Pillai Rajagopalan của Tổ chức Nghiên cứu Giám sát (OEF – New Delhi), động thái bổ sung khí tài cho thấy sự bức bối của Ấn Độ khi đàm phán không tiến triển và căng thẳng nhiều khả năng kéo dài, đặc biệt là sau khi Trung Quốc ban hành luật biên giới mới vào tuần rồi, gọi đây là “tiêu chuẩn thống nhất để củng cố quản lý biên giới”.

Ấn Độ cảnh báo đạo luật này có thể làm gia tăng căng thẳng biên giới Ấn-Trung, song người phát ngôn Uông Văn Bân của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định cảnh báo này chỉ là một sự suy đoán thái quá.


Cao Lực

Chia sẻ