Đó là 2 người đàn ông và đều trở về từ châu Âu, phát bệnh nhẹ với triệu chứng lâm sàng tương thích với bệnh đậu mùa khỉ.

Trước đó một ngày, chính quyền tỉnh Quebec – Canada thông báo đang điều tra 17 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ. Theo Reuters, một số quốc gia khác trước đó đã công bố có ca bệnh đậu mùa khỉ, như Mỹ, Ý, Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha…

Quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi Ahmed Ogwell Ouma cho biết kể từ năm 2020, một số đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đã được ghi nhận và khống chế ở Congo, Nigeria, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi. Theo ông Ouma, CDC châu Phi đang làm việc với các CDC ở châu Âu nhằm chia sẻ kinh nghiệm ứng phó, xác định nguyên nhân lây lan.

Bàn tay một bệnh nhân đậu mùa khỉ nổi mụn nước Ảnh: MEDSCAPE

Anh hiện ghi nhận 9 ca đậu mùa khỉ. Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết đã cung cấp vắc-xin ngừa đậu mùa, vốn có thể ngừa cả đậu mùa khỉ, cho nhân viên y tế và những người có thể đã bị phơi nhiễm với bệnh. Trong khi đó, Công ty Siga Technologies (Mỹ) cho biết đã nhận được yêu cầu mua thuốc đậu mùa của họ để trị đậu mùa khỉ.

Nhà dịch tễ học Susan Hopkins, cố vấn y tế trưởng của UKHSA, nói rằng đậu mùa khỉ lây lan khi tiếp xúc với dịch cơ thể từ người bị nhiễm bệnh nên rủi ro đối với người dân là thấp.

Hiện có 2 chủng đậu mùa khỉ: chủng Congo (gây bệnh nặng hơn với tỉ lệ tử vong lên đến 10%) và chủng Tây Phi (chủng nhẹ với tỉ lệ tử vong dưới 1%). Bệnh có các triệu chứng sốt, đau nhức, nổi hạch, mụn nước giống thủy đậu và hầu hết bệnh nhân sẽ khỏi trong 2-4 tuần.


Thu Anh