Theo báo cáo của WHO hôm 20-5, những đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ này là bất thường vì chúng đang xảy ra ở những quốc gia vốn không xem đây là bệnh đặc hữu. Nhiều trường hợp mắc bệnh có thể được ghi nhận trong những ngày tới khi việc rà soát được mở rộng.

WHO cho biết: “WHO đang làm việc với các quốc gia bị ảnh hưởng và những quốc gia khác để mở rộng giám sát dịch bệnh nhằm tìm kiếm và hỗ trợ những người có thể bị ảnh hưởng, đồng thời cung cấp hướng dẫn về cách xử lý dịch bệnh”.

Lòng bàn tay của một bệnh nhân mắc bệnh đậu mùa khỉ tại thị trấn Lodja – Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: Reuters

WHO đã tổ chức cuộc họp khẩn cùng ngày để thảo luận về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ. Đức mô tả đây là đợt bùng phát lớn nhất ở châu Âu từ trước đến nay. Các ca bệnh cũng được báo cáo ở các quốc gia như Bỉ, Pháp, Ý, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Anh, Mỹ, Canada và Úc.

Tây Ban Nha đã ghi nhận 24 trường hợp mới hôm 20-5, chủ yếu ở khu vực Madrid. Các nhà khoa học châu Phi đã bối rối trước những ca nhiễm ghi nhận ở châu Âu bởi các ca nhiễm loại bệnh này trước đây thường có mối liên hệ với miền Trung và Tây Phi. Tuy nhiên, các ca nhiễm ở châu Âu, Mỹ hiện tại thì những người mắc bệnh chưa từng đến những vùng châu Phi này.

Dù vậy, theo Reuters, các nhà khoa học không cho rằng đợt bùng phát này sẽ tiến triển thành đại dịch như Covid-19 do loại virus này không lây lan dễ dàng như SARS-COV-2. Bệnh đậu mùa khỉ thường khiến người mắc có những triệu chứng nhẹ, điển hình như sốt và phát ban.

Ông Fabian Leendertz thuộc Viện Robert Koch cho rằng rất ít khả năng đợt dịch này kéo dài. Các ca bệnh có thể được cách ly tốt thông qua truy vết và các loại thuốc cũng như vắc-xin hiệu quả có thể được sử dụng nếu cần thiết. Theo WHO, hiện chưa có vắc-xin đặc trị cho bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, dữ liệu nghiên cứu cho thấy vắc-xin bệnh đậu mùa có hiệu quả tới 85% trong tiêu diệt virus bệnh đậu mùa khỉ.


Xuân Mai