Nếu xảy ra, hiện tượng “trăm năm có một” này sẽ đưa số phận của cuộc bầu cử tổng thống 2020 vào tay các nghị sĩ Hạ viện theo quy định của Tu chính án 12. Ở kịch bản này, phái đoàn hạ nghị sĩ đại diện mỗi bang sẽ được trao một phiếu bầu. Thành phần đảng phái của phái đoàn quyết định lá phiếu này thuộc về ứng viên nào.

Điều này đồng nghĩa chức tổng thống có thể không được quyết định bởi đảng đang kiểm soát Hạ viện, mà bởi đảng đang chiếm đa số trong các phái đoàn nghị sĩ bang hơn. Mặc dù phe Dân chủ đang kiểm soát Hạ viện, phe Cộng hòa hiện kiểm soát 26 phái đoàn nghị sĩ bang, nhiều hơn 4 so với đảng Dân chủ.

Theo Politico, “một trận chiến” bên trong Hạ viện có thể diễn ra khốc liệt. Ở một số bang, một chiếc ghế có thể quyết định thành phần đảng phái của phái đoàn. Quy mô của những thách thức pháp lý liên quan đến việc tuyên bố người chiến thắng trong các cuộc đua ở Hạ viện có thể gia tăng khi giới lãnh đạo đảng phái và đội ngũ pháp lý của họ đi sâu vào kết quả của các cuộc đua cá nhân ở cấp hạt hay thậm chí là khu vực bầu cử.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Ảnh: Reuters

“Hiến pháp Mỹ quy định ứng viên tổng thống phải giành được thế đa số của phái đoàn hạ nghị sĩ đại diện các bang để đắc cử (trong trường hợp Hạ viện Mỹ phải quyết định số phận của cuộc bầu cử). Chúng ta phải giành được thế đa số hoặc ngăn phe Cộng hòa làm được điều này” – Chủ tịch Pelosi nhấn mạnh.

Trước đó, vào ngày 26-9, Tổng thống Trump cũng đã nói về kịch bản trên trong chiến dịch vận động tranh cử tại bang Pennsylvania.

“Tôi không muốn cuộc bầu cử được định đoạt ở Tòa án Tối cao hay Quốc hội mặc dù chúng ta có lợi thế tại Quốc hội. Hình như số lượng cử tri đoàn bang tại Hạ viện giữa chúng ta và họ hiện là 26-22. Chúng ta thực sự có lợi thế” – ông Trump nói.

Trong các cuộc họp nội bộ đảng Cộng hòa, Tổng thống Trump cũng thảo luận khả năng số phận cuộc đua vào Nhà Trắng 2020 rơi vào tay Hạ viện, đồng thời nêu vấn đề với các nhà lập pháp đảng này.

Tổng thống Donald Trump không muốn số phận cuộc bầu cử 2020 rơi vào tay Hạ viện. Ảnh: Reuters

Theo Hiến pháp Mỹ, người chiến thắng trong cuộc bầu cử chỉ được chính thức chọn lựa sau khi Quốc hội mới kiểm phiếu đại cử tri vào ngày 6-1-2021.

Nếu cả Tổng thống Trump lẫn đối thủ Biden không giành được 270 phiếu đại cử tri tối thiểu để chiến thắng, các phái đoàn nghị sĩ mới được bầu chọn của Hạ viện sẽ bỏ phiếu quyết định. Những phái đoàn có số lượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa ngang nhau sẽ không được tính đến.

Tuy nhiên, mọi chuyện không chỉ dừng lại ở vấn đề đếm phiếu. Nếu Hạ viện bị yêu cầu giải quyết bế tắc liên quan đến cử tri đoàn, Mỹ có thể chứng kiến một trong những quy trình cam go nhất liên quan đến quyền lực trong lịch sử nước này. Nếu phe Dân chủ vẫn kiểm soát Hạ viện, họ có thể chọn phương án không dành ghế cho những thành viên đang dính vào tranh cãi về kết quả  bầu cử.

Theo Politico, Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã bắt đầu những nước đi cho kịch bản “trăm năm có một”. Tại những bang quan trọng với cuộc đua Hạ viện như Arizona, Iowa, Maine, Michigan, Minnesota, Nevada và New Hampshire, phe Dân chủ đang có lợi thế sít sao. Trong khi đó, phe Cộng hòa cũng nắm lợi thế tương tự tại bang Florida.

Ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Riêng phái đoàn hạ nghị sĩ bang Pennsylvania hiện có 9 thành viên đảng Cộng hòa và 9 thành viên Dân chủ. Tuy nhiên, phe Dân chủ nhiều khả năng nắm thêm ghế khi quá trình phân chia lại ranh giới khu vực bầu cử làm mất đi một số lợi thế của phe Cộng hòa.

Bang Michigan nhiều khả năng cũng sẽ là một khu vực căng thẳng bất chấp phe Dân chủ đang nắm lợi thế về thành phần của phái đoàn hạ nghị sĩ bang này. Ông Justin Amash, một nghị sĩ độc lập ủng hộ nỗ lực luận tội Tổng thống Trump, chuẩn bị về hưu và ghế của ông nhiều khả năng rơi vào tay đồng minh của ông chủ Nhà Trắng, khiến không đảng nào chiếm đa số trong phái đoàn  này.


Cao Lực (Theo Politico)

Chia sẻ