Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự tại trường ĐH New South Wales (Úc), nhận định Việt Nam đã nhanh chóng đánh dấu vị thế trên lĩnh vực ngoại giao trong đại dịch Covid-19. 

Gần đây, Việt Nam đã tăng cường sản xuất các thiết bị y tế và quyên góp đến các nước có nhu cầu, bao gồm Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh. Ông Thayer lưu ý rằng 5 nước châu Âu cuối danh sách kể trên đã thương lượng các thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong những năm gần đây.

Vào ngày 9-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cảm ơn “những người bạn của chúng tôi tại Việt Nam” trong một bài đăng trên Twitter sau khi Mỹ nhận được 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam, do công ty DuPont của Mỹ sở hữu và vận hành. Việt Nam còn gửi tặng khẩu trang, nước rửa tay khô và các thiết bị chống dịch Covid-19 khác đến nước láng giềng Campuchia và Lào, những nước có quan hệ đặc biệt với Việt Nam.

Tổng thống Donald Trump cám ơn Việt Nam sau khi nhận 450.000 bộ đồ bảo hộ y tế. Ảnh: Twitter

“Đại dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam tăng cường quyền lực mềm bằng những cử chỉ hào phóng với cộng đồng quốc tế” – trích lời ông Alexander Vuving, giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương Daniel K Inouye (Mỹ).

Ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng cao cấp tại Viện Chính sách RAND Corporation, nói cách Việt Nam đối phó với đại dịch cũng như chính sách của họ giữa cuộc khủng hoảng sẽ “giúp họ chứng minh giá trị gia tăng của mình với thế giới”.

Điều này đã trở nên rõ ràng với một số nước trước khi đại dịch xảy ra. Cụ thể, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung khi nhiều công ty đa quốc gia và các công ty khác chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan mới của Mỹ lên hàng hóa Trung Quốc. Ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản ước tính nền công nghiệp của Việt Nam tăng 8% trong năm 2019 nhờ điều này.

Giờ đây, nhiều nhà phân tích dự đoán Việt Nam sẽ nhận được lợi ích lớn nhất của làn sóng di dời nhà máy thứ 2 do đại dịch và do nhiều ý kiến ở phương Tây cho rằng Trung Quốc phải chịu trách nhiệm chính về sự bùng phát dịch Covid-19.

Các chính trị gia ở Washington, Tokyo và một số nước châu Âu khác đang chia sẻ cởi mở về sự cần thiết của việc “tách rời” khỏi nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm việc phá vỡ sự phụ thuộc vào một nguồn cung nước ngoài duy nhất cho các sản phẩm nhập khẩu thiết yếu như thiết bị y tế.

“Việt Nam đã chứng minh được sự thân thiện trong khi vẫn tiết kiệm chi phí cho các công ty phương Tây” – ông Vuving nói thêm.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo trong trường hợp diễn biến Covid-19 tồi tệ nhất, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam sẽ giảm 1,5%, từ mức khoảng 7% những năm gần đây, vào năm 2020. Nếu đúng vậy, mức này đánh dấu tăng trưởng thấp nhất của Việt Nam trong nhiều thập niên qua nhưng vẫn cao hơn nhiều so với hầu hết các nước láng giềng Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan. Bangkok đang dự kiến tăng trưởng GDP -5,3% năm 2020.

Thêm vào đó, các nhà đầu tư thấy rõ sự khác biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên thành thị trường có thành tích tốt nhất của khu vực trong năm nay trong lúc, một số thị trường chứng khoán khác trong khu vực đã nghiêng về kịch bản thiệt hại kinh tế do Covid-19.

Một số chuyên gia còn cho rằng nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt là nếu các nước như Mỹ, Nhật Bản và các nước thuộc Liên minh châu Âu di chuyển hàng loạt chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc sau đại dịch.


Bảo Hạnh (Theo Asia Times)