Trong cả năm 2020, đất nước hơn 8 triệu dân Papua New Guinea chỉ ghi nhận 900 ca mắc Covid-19 nhưng đến ngày 15-4 vừa qua, con số này đã tăng chóng mặt lên mức trên 9.300 ca với 82 ca tử vong, theo kênh CNBC.

Tình hình Papua New Guinea được Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus lấy làm minh họa cho điều mà ông gọi là “sự gia tăng báo động” số ca mắc và tử vong do Covid-19 trên toàn cầu.

“Số ca mắc mới hằng tuần trên toàn cầu đã tăng gần gấp đôi trong 2 tháng qua. Chúng ta đang tiến đến tỉ lệ lây nhiễm cao nhất từ khi đại dịch bùng phát đến nay” – ông Tedros phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16-4.

Theo số liệu của Trường ĐH Johns Hopkins (Mỹ), hiện có hơn 139 triệu ca mắc Covid-19 với 3 triệu ca tử vong trên thế giới, riêng từ tháng 1 đến nay ghi nhận 1 triệu ca nhiễm.

Bà Elisa Melo Marinho, 86 tuổi, được tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca tại nhà ở khu ổ chuột Rocinha thuộc TP Rio de Janeiro – Brazil ngày 16-4 .Ảnh: REUTERS

Theo ông Tedros, một số quốc gia từng khống chế không để dịch lan rộng nay phải chứng kiến mức độ lây nhiễm tăng vọt. Đây chính là tình hình tại Thái Lan khi tổng số ca mắc Covid-19 tăng từ 29.900 ca lên hơn 40.500 ca chỉ trong 10 ngày qua, nguyên nhân có thể do loại biến thể có khả năng lây nhiễm cao được phát hiện ở Anh.

Tại Campuchia, Thủ tướng Hun Sen đã phát đi thông điệp cứng rắn khi số ca nhiễm mới tiếp tục tăng vọt: Sẽ kéo dài lệnh phong tỏa ở thủ đô Phnom Penh và TP Takmao thuộc tỉnh Kandal nếu người dân không tuân thủ quy định. Tính đến ngày 17-4, Campuchia ghi nhận tổng cộng 5.771 ca mắc Covid-19 với 39 ca tử vong.

Trong khi đó, thủ đô New Delhi của Ấn Độ bị phong tỏa cuối tuần này sau khi số ca mắc mới trong ngày đạt đến con số 234.692 ca hôm 17-4. Ấn Độ hiện xếp thứ hai thế giới, sau Mỹ, về tổng số ca mắc – vượt mốc 14,5 triệu, so với 32 triệu ca ở Mỹ.

Trong khi số ca mắc của Ấn Độ và Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, suýt soát nhau thì số ca tử vong lại khác biệt rất lớn. Với 214 triệu dân, Brazil ghi nhận hơn 361.800 người tử vong trong khi con số này ở Ấn Độ là 175.600 ca trên tổng số dân 1,4 tỉ – theo hãng tin Bloomberg.

Việc tỉ lệ tử vong ở Nam Á, bao gồm Ấn Độ, luôn thấp hơn trung bình toàn cầu trong khi tỉ lệ này ở Mỹ Latin, từ Brazil đến Argentina, luôn cao hơn được nhiều chuyên gia xem là “bí ẩn dịch tễ học”. Tuần trước, hơn 1/4 số ca tử vong toàn cầu vì Covid-19 là ở Brazil.

Tổng số ca mắc Covid-19 của Ấn Độ đã vượt quá 14,5 triệu người. Ảnh: Reuters

“Tỉ lệ tử vong ở Brazil còn sốc hơn bởi dân số nước chúng tôi trẻ hơn nhiều so với các nước khác, bao gồm các quốc gia châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nề” – ông Alberto Chebabo, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bệnh truyền nhiễm Brazil, nhấn mạnh và phỏng đoán một trong số nguyên nhân có thể là do biến thể P.1.

Được phát hiện ở Brazil vào tháng 12 năm ngoái, P.1 cùng các biến thể ở Anh và Nam Phi có khả năng lây nhiễm mạnh hơn. Theo ông Chebabo, biến thể P.1 lây lan đồng thời ở nhiều thành phố, bang ở Brazil, khiến hệ thống y tế sụp đổ.

Đặc biệt, số người trẻ – và cả trẻ em – Brazil thiệt mạng vì Covid-19 cao báo động. Đài BBC dẫn số liệu của Bộ Y tế Brazil cho biết hơn 800 trẻ em dưới 9 tuổi có thể đã tử vong vì Covid-19, trong đó có 500 em bé. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều. TS Fatima Marinho, chuyên gia Trường ĐH Sao Paolo đồng thời là nhà dịch tễ học nổi tiếng Brazil, ước tính từ đầu đại dịch đến nay, khoảng 2.060 trẻ em dưới 9 tuổi, trong đó có 1.302 em bé, đã mất mạng vì Covid-19. 


HẢI NGỌC

Chia sẻ