Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết ông sẵn sàng giải quyết các tranh chấp với Brussels dù nhiều người lo ngại rằng rạn nứt ý thức hệ dai dẳng giữa Đông và Tây Âu gây ra mối đe dọa hiện hữu đối với chính EU.

Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli cho biết khi các nhà lãnh đạo tập trung tại Brussels tham dự hội nghị thượng đỉnh: “Một vài ngày trước, cơ sở pháp lý của liên minh chúng ta bị thách thức. Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên và cũng sẽ không phải là lần cuối cùng. Nhưng chưa bao giờ liên minh bị đẩy vào tình huống đầy hoài nghi như vậy”.

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki phát biểu hôm 19-10. Ảnh: Reuters

Căng thẳng kéo dài giữa những người theo chủ nghĩa dân tộc cầm quyền của Ba Lan và phe đa số tự do của khối đã tăng vọt kể từ khi Tòa án Hiến pháp Ba Lan ra phán quyết trong tháng này rằng các yếu tố trong luật EU không phù hợp với hiến chương của nước này. Động thái của Ba Lan đã thách thức nguyên tắc then chốt của sự hội nhập EU.

Những tranh cãi nội khối không chỉ có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng cơ bản mới cho EU, liên minh 27 thành viên vẫn đang chật vật vì hậu quả của BREXIT (Anh rời khỏi EU), mà còn có thể tước đi các khoản tài trợ hào phóng của EU dành cho Ba Lan.

Ông Morawiecki cho rằng các cơ quan trung ương EU cho mình quyền quyết định về năng lực của các nước thành viên, Ba Lan sẽ không cúi đầu trước áp lực nhưng vẫn sẽ thảo luận về cách giải quyết các bất đồng hiện tại trong cuộc đối thoại.

Phản ứng trước động thái của Ba Lan, Thủ tướng Bỉ Alexander de Croo cho rằng: “Nếu quốc gia thành viên muốn có những lợi thế trong khối thì họ cần phải tôn trọng các quy tắc. Họ không thể là thành viên của một khối mà lại nói rằng các quy tắc không áp dụng đối với họ”.

Vấn đề luật pháp của Ba Lan là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU hôm 21-10 khi Uỷ ban châu Âu (EC) bày tỏ quan ngại ngày càng lớn về sự độc lập tư pháp của Warsaw.

Ba Lan có thể sẽ đối mặt với các hình phạt tài chính liên quan vấn đề trên, trong đó Pháp và Hà Lan đặc biệt phản đối EU chuyển tiền cho các chính phủ giảm thiểu những nguyên tắc dân chủ và nhân quyền.

EC trước đó tạm thời hoãn kế hoạch chi cho Ba Lan 36 tỉ euro từ quỹ của EU nhằm hỗ trợ nền kinh tế của các quốc gia thành viên phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Trong khi nhiều nước tỏ ra thất vọng trước những nỗ lực bất thành trong việc thuyết phục Warsaw thay đổi chiến lược, Thủ tướng Đức sắp mãn nhiệm Angela Merkel cảnh báo không nên cô lập Ba Lan. Theo hãng tin Reuters, bà Merkel nói: “Chúng ta phải tìm cách đoàn kết trở lại và việc đưa nhiều vụ kiện chống lại Ba Lan lên Tòa án Công lý của Liên minh châu Âu không phải là giải pháp”.


Xuân Mai

Chia sẻ