Văn phòng của bà Pelosi cho biết bà là quan chức cấp cao nhất của Mỹ tới Armenia kể từ khi quốc gia này tuyên bố độc lập năm 1991.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi nói rằng chuyến thăm của bà “là biểu tượng mạnh mẽ của sự cam kết vững chắc từ Mỹ đối với một Armenia hòa bình, thịnh vượng và dân chủ, cũng như một khu vực Caucasus ổn định, an toàn”.

Cùng với Pháp và Nga, Washington đồng chủ trì Nhóm hòa giải Minsk, dẫn đầu các cuộc đàm phán hòa bình kéo dài hàng thập kỷ giữa Baku và Yerevan dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).

Bà Pelosi nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chuyển tải sự ủng hộ mạnh mẽ và liên tục của Mỹ, với tư cách là Nhóm Minsk thuộc OSCE và là người bạn lâu năm của Armenia, đối với một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh”.

Chủ tịch Quốc hội Quốc hội Armenia Alen Simonyan (phải) đón tiếp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại sân bay quốc tế ở Yerevan, Armenia, hôm 17-9. Ảnh: Reuters

Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan cho rằng chuyến thăm sẽ đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh nước này. Ảnh: AP

Về phía Armenia, Chủ tịch Quốc hội Alen Simonyan nói với các nhà báo trước chuyến thăm của bà Pelosi rằng sự kiện này “sẽ đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh của chúng tôi”.

Ngay sau khi đến Yerevan chiều 17-9, bà Pelosi đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan.

“Bà đầm thép” của Mỹ bất ngờ đến Armenia sau giao tranh đẫm máu

Ngoài ra, phái đoàn của bà Pelosi sẽ gặp gỡ nhiều lãnh đạo khác của chính phủ Armenia tại thủ đô Yerevan như Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan và các thành viên của cơ quan an ninh. Nội dung các cuộc hội đàm sẽ xoay quanh việc giải quyết xung đột ở Nagorno-Karabakh.

Bà Pelosi ​​sẽ có bài phát biểu tại Trung tâm Nghệ thuật Cafesjian nhằm “tái khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với người dân Armenia cũng như an ninh và dân chủ của nước này”.

Theo văn phòng của bà Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ và các thành viên phái đoàn dự kiến ​​tổ chức một cuộc họp báo vào chiều 18-9 (giờ địa phương) sau cuộc họp song phương với Chủ tịch Quốc hội Armenia.

Theo đài CNN, trong đoàn nghị sĩ Mỹ đến Armenia còn có các Hạ nghị sĩ Đảng Dân chủ Frank Pallone, Anna Eshoo và Jackie Speier.

Chuyến thăm diễn ra sau các cuộc đụng độ chết người vào đầu tuần này dọc theo biên giới giữa Armenia và Azerbaijan. Trước đây, Armenia và Azerbaijan từng xảy ra hai cuộc giao tranh những năm 1990 và vào năm 2020 tại khu vực Nagorno-Karabakh tranh chấp.

Giao tranh vào năm 2020 diễn ra trong 6 tuần khiến hơn 6.500 người thiệt mạng, kết thúc nhờ lệnh ngừng bắn do Nga làm trung gian.

Những cuộc đụng độ mới nhất dẫn đến lo ngại rằng hai quốc gia có thể đang trên bờ vực bùng phát xung đột. Armenia và Azerbaijan đổ lỗi cho nhau thực hiện các hành động thù địch, trong đó giới chức Armenia cáo buộc Baku gây hấn vô cớ và chính quyền Azerbaijan nói rằng nước này đang đáp trả các cuộc pháo kích của Armenia.

Ngày 14-9, một quan chức cấp cao của Armenia thông báo thỏa thuận ngừng bắn đã được thỏa thuận với Azerbaijan. Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan thông báo các lực lượng Azerbaijan đã chiếm 10km² lãnh thổ của Armenia kể từ khi cuộc giao tranh bắt đầu diễn ra.

Ngày 16-9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cho biết 135 binh sĩ nước này đã thiệt mạng, tăng 30 người so với con số 105 người được ghi nhận ngày 15-9. Trong khi đó, phía Azerbaijan cho biết 77 binh sĩ thiệt mạng, tăng 6 người so với số liệu một ngày trước đó.


Huệ Bình