Phớt lờ nỗ lực hòa giải của Pháp, lực lượng hai nước đã tấn công nhau bằng tên lửa vào ngày giao tranh thứ 7 liên tiếp trong đợt bùng phát xung đột mới nhất. Cuộc giao tranh này có nguy cơ kéo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc.

Số người chết đã tăng lên ít nhất 230 người tại Nagorno-Karabakh, vùng đất thuộc sắc tộc Armenia bên trong Azerbaijan, vốn đã tách khỏi sự kiểm soát Azerbaijan vào những năm 1990.

Cả Azerbaijan lẫn Armenia đều tuyên bố họ đã phá hủy hàng trăm xe tăng của bên kia. Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev đã gửi lời chúc mừng tới một chỉ huy quân sự về việc chiếm được ngôi làng ở Karabakh. Sau lời tung hô đăng tải trên mạng xã hội, ông Ilham Aliyev tiếp tục khoe đánh chiếm thêm 7 ngôi làng.

Hàng trăm người đã xuống đường ở thủ đô Baku của Azerbaijan để ăn mừng, vẫy cờ và biểu ngữ ghi “Karabakh đã và sẽ là của chúng ta”. Thế nhưng vẫn chưa có bất cứ xác nhận độc lập nào về tình hình thực tế tại khu vực này.

Một đoạn video được chia sẻ bởi Bộ Quốc phòng Azerbaijan hôm 2-10 cho thấy máy bay Azerbaijan nhắm mục tiêu vào binh lính và thiết bị quân sự của Armenia.

Đoạn video ghi cảnh máy bay Azerbaijan thả bom vào mục tiêu Armenia. Không rõ có bao nhiêu thương vong trong vụ tấn công. Ảnh: EPA

Tổng thống Ilham Aliyev của Azerbaijan nhấn mạnh các lực lượng quân sự nước Armenia “cần phải rời khỏi lãnh thổ của chúng tôi và sau đó, chiến tranh sẽ dừng lại và khi đó xung đột sẽ kết thúc”.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Al Jazeera, Tổng thống Ilham Aliyev nói rằng một khi giao tranh kết thúc “có thể một thời gian sau, người dân Azerbaijan và Armenia lại có thể sống với nhau trong hòa bình”. Tuy nhiên, Tổng thống Azerbaijan không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy căng thẳng sẽ sớm chấm dứt.

Ông Artsrun Hovhannisyan, quan chức Bộ Quốc phòng Armenia, cho biết tình hình vẫn thay đổi liên tục. Ông Hovhannisyan phát biểu trước báo chí: “Trong cuộc chiến quy mô lớn như thế này thì sự thay đổi là bình thường. Chúng ta có thế chiếm được rồi rời đi chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ”.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng thông báo trên truyền hình rằng tình hình tại tiền tuyến đang rất căng thẳng. Ông Pashinyan cho biết: “Tới nay, chúng ta đã có nhiều thương vong, cả trong quân đội lẫn thường dân, nhiều khí tài không còn sử dụng được. Tuy nhiên, đối thủ vẫn chưa thể giải quyết bất kỳ vấn đề chiến lược nào của họ”.

Căn hộ ở TP Stepanakert thuộc Nagorno-Karabakh sau khi bị pháo kích. Ảnh: AP

Hiện Azerbaijan, được khích lệ bởi sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, nói rằng họ mất hết kiên nhẫn sau nhiều thập kỷ ngoại giao kém hiệu quả, không hề có tiến triển nào về vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Trong khi Nga, Mỹ và Pháp kêu gọi chấm dứt các hành động thù địch, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết “những người chiếm đóng” Armenia phải rút lui và bác bỏ các yêu cầu “hời hợt” về việc ngừng bắn.

Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan nhiều lần phủ nhận sự tham gia của các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ. Armenia khẳng định phiến quân Syria đang chiến đấu bên phía Azerbaijan nhưng Azerbaijan phản bác.

Các nhà phân tích quân sự cho rằng Azerbaijan không có đủ hỏa lực để đánh chiếm hoàn toàn Nagorno-Karabakh. Dù vậy, nước này có thể dàn xếp để giành được lợi thế trong các cuộc đàm phán trong tương lai.


H.Bình (Theo Reuters)

Chia sẻ