Reuters dẫn 4 nguồn tin ngoại giao ngày 2-6 cho biết Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei – Chủ tịch ASEAN năm nay – Erywan Yusof và Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi, cũng đến từ Brunei, dự kiến gặp gỡ các nhà lãnh đạo quân đội Myanmar.

Chưa rõ họ có gặp gỡ những nhân vật đối lập của chính quyền quân sự hay không. Nhiều người trong số này đang bị giam hoặc lẩn trốn. Các nguồn tin cảnh báo chuyến thăm có thể bị trì hoãn vào phút chót do trở ngại về hậu cần và ngoại giao. Theo nhóm Nghị sĩ khối ASEAN về Nhân quyền (APHR), các đại diện ASEAN phải gặp các nhà lãnh đạo dân sự Myanmar, bao gồm bà Aung San Suu Kyi và cựu Tổng thống U Win Myint, đang bị tạm giữ.

Trường học ở TP Yangon mở cửa lại vào ngày 2-6 Ảnh: REUTERS

Chuyến thăm dự kiến nói trên diễn ra hơn 5 tuần sau khi các nhà lãnh đạo ASEAN tuyên bố “đồng thuận 5 điểm” để chấm dứt bạo lực ở Myanmar, thúc đẩy đối thoại, chuyển viện trợ, cử đặc phái viên và cử phái đoàn do đặc phái viên làm trưởng đoàn sang Myanmar để gặp gỡ “tất cả các bên liên quan”. Tuy nhiên, đặc phái viên vẫn chưa được bổ nhiệm do 10 thành viên của khối chưa thống nhất trong việc tìm người phù hợp.

Bốn nguồn tin ngoại giao của Reuters tiết lộ Indonesia ban đầu ủng hộ một đặc phái viên duy nhất dẫn đầu một nhóm chuyên trách nhưng Thái Lan muốn chọn một ban gồm nhiều đại diện. Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi ngày 2-6 thúc giục ASEAN cử đặc phái viên tới Myanmar ngay lập tức, đồng thời kêu gọi duy trì liên lạc với tất cả các bên ở Myanmar. 


Minh Nghĩa

Chia sẻ