Trong tuyên bố hôm 4-2, HĐBA LHQ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “duy trì quy trình và các thể chế dân chủ, tránh bạo lực và tôn trọng nhân quyền, các quyền cơ bản cũng như quy tắc pháp luật”.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, đến giờ vẫn chưa được nhìn thấy kể từ khi bị bắt giữ vào ngày 1-2. Cảnh sát Myanmar đã đệ trình các cáo buộc chống lại bà, gồm nhập và sử dụng thiết bị liên lạc trái phép.

Song song với tuyên bố trên của HĐBA LHQ, chính quyền quân sự Myanmar còn đối mặt với sức ép kinh tế và ngoại giao gia tăng từ hàng loạt quốc gia, trong đó có Mỹ.

Bà Aung San Suu Kyi đến giờ vẫn chưa được nhìn thấy kể từ khi bị bắt giữ trong cuộc đảo chính hôm 1-2. Ảnh: Reuters

Tổng thống Joe Biden hôm 4-2 nhấn mạnh chính quyền quân sự Myanmar phải từ bỏ quyền lực, đồng thời cho biết Washington đang làm việc với các đồng minh và đối tác để trừng phạt những tướng lĩnh chịu trách nhiệm cho cuộc đảo chính gây phẫn nộ.

Cùng ngày, Nhà Trắng cho biết Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan đã điện đàm với các đại sứ từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Trong cuộc họp báo trước đó, ông Sullivan cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào những cá nhân và thực thể thuộc quyền kiểm soát của quân đội Myanmar.

Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar từ bỏ quyền lực. Ảnh: Reuters

Đến ngày 5-2, Malaysia và Indonesia thông báo họ sẽ yêu cầu các bộ trưởng ngoại giao ASEAN tổ chức một phiên họp đặc biệt để thảo luận tình hình Myanmar.

ASEAN hồi đầu tuần này cho biết sẽ theo dõi sát sao những diễn biến ở Myanmar.

Bất ổn chính trị Myanmar nổ ra hôm 1-2, khi quân đội nước này tiến hành đợt bắt giữ quy mô lớn để phản ứng với điều họ khẳng định là “gian lận bầu cử”, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp trong 1 năm và trao quyền điều hành đất nước cho Tổng Tư lệnh Min Aung Hlaing.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (trái) và Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin yêu cầu ASEAN họp bàn về tình hình Myanmar. Ảnh: Reuters


Cao Lực

Chia sẻ