Ngày 4-8, trong dịp diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) và các hội nghị liên quan tại Phnom Penh, Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN ra Tuyên bố về những diễn biến tại Eo biển Đài Loan, bày tỏ quan ngại về nguy cơ bất ổn, hệ quả nghiêm trọng và khó lường đối với khu vực.

Các Bộ trưởng Ngoại giao tại lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (AMM-55) – Ảnh: Bộ ngoại giao

Tuyên bố kêu gọi kiềm chế tối đa, tuân thủ các nguyên tắc Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC). Các nước ASEAN tái khẳng định ủng hộ chính sách Một Trung Quốc; đề cao tầm quan trọng của hợp tác, cùng tồn tại hoà bình và cạnh tranh lành mạnh vì mục tiêu hoà bình, an ninh, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững.

Chuỗi hội nghị AMM-55 và các hội nghị liên quan đang diễn ra từ ngày 29-7 tới ngày 5-8 tại Phnom Penh, Campuchia.

Ngày mai, 5-8, sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước Cấp cao Đông Á (EAS) và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 29.

Sáng ngày 4-8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam dự các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+1 và ASEAN+3 (với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).

Chiều ngày 4-8, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cùng Bộ trưởng các nước ASEAN họp với Mỹ, Ấn Độ, Úc, Canada, New Zealand, Liên minh Châu Âu và Liên bang Nga. 

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Bộ trưởng các nước ASEAN đã cùng các đối tác dành nhiều thời gian kiểm điểm tiến độ hợp tác, thống nhất định hướng tương lai và trao đổi quan điểm về tình hình khu vực và quốc tế. ASEAN đề nghị đối tác phát huy cao độ lợi thế do các mối quan hệ đối tác chiến lược và chiến lược toàn diện mang lại, hợp tác với ASEAN xây dựng cộng đồng, cùng phấn đấu vì hoà bình, ổn định và phồn vinh chung.

Các nước đề xuất nhiều biện pháp hợp tác sâu rộng và đa dạng nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, đẩy mạnh phục hồi, hướng tới phát triển bền vững. Trong số các sáng kiến này nổi lên những nội dung chiến lược, lâu dài như trao đổi thương mại, kết nối liên vùng, thu hẹp khoảng cách, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển xanh và bền vững… Đồng thời, các nước đề cập các biện pháp đã và đang được triển khai như hợp tác về y tế, an ninh biển, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng.

Chia sẻ về các vấn đề khu vực và quốc tế, các nước bày tỏ lo ngại về tình hình phức tạp. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và ASEAN một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán về các vấn đề Biển Đông, Myanmar, Ukraine, Bán đảo Triều Tiên, căng thẳng giữa các nước lớn… ASEAN tái khẳng định lập trường, đồng thời kêu gọi các bên đề cao luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) và TAC. Các nước và các bên liên quan cần duy trì đối thoại, xây dựng lòng tin, lấy hoà bình làm mục tiêu, hợp tác làm công cụ, tôn trọng luật lệ, kiềm chế, tránh để bất đồng, mâu thuẫn trở thành xung đột. ASEAN cũng chia sẻ với đối tác những hoạt động của mình thực hiện đồng thuận 5 điểm về Myanmar, tiến độ xây dựng bộ Quy tắc Ứng xử COC hướng tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Cùng ngày, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, EU, Bangladesh, Pakistan.

Trong gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao các nước bên lề các Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trao đổi phương thức thúc đẩy hợp tác với từng nước. Các Bộ trưởng đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, khẳng định mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam; đề xuất một số biện pháp như trao đổi đoàn, tăng cường quan hệ kinh tế – thương mại, khôi phục giao lưu nhân dân. Các nước nhấn mạnh một số lĩnh vực hợp tác như tài chính, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ… Các bên cũng bàn thêm về phối hợp tại các Hội nghị lần này.

Trao đổi với Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, hai Bộ trưởng khẳng định coi trọng việc củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện Việt – Trung; nhất trí tăng cường hợp tác mọi mặt và tin cậy chính trị, bao gồm trao đổi, tiếp xúc cấp cao và các cấp, ngành, địa phương; tháo gỡ vướng mắc trong thương mại, ứng phó dịch bệnh; kết nối đường bộ, đường sắt; giao lưu nhân dân. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách “Một Trung Quốc”, cùng các nước ASEAN kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh làm phức tạp tình hình, leo thang căng thẳng, xử lý thoả đáng bất đồng, vì hoà bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

Gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Jaishanka, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mê Kông. Hai bên nhất trí ưu tiên quản lý bền vững tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu, và hợp tác giữa Uỷ hội sông Mê Kông và Cơ quan Quốc gia về lòng sông Hằng.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Đại diện cấp cao EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đánh giá cao kết quả trong triển khai Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn mong muốn EU và các thành viên sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA), dỡ bỏ thẻ vàng đối với thuỷ sản Việt Nam, thiết lập quan hệ Đối tác Chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam.


Dương Ngọc