Theo SWNS hôm 5-10, khi ông Jason Gillespie đang đánh cá tại khu vực kể trên thì phát hiện ra con cá mập thuộc loài cá mập xám dài khoảng 0,9 m trông rất nổi bật.

Người đàn ông 50 tuổi nói với SWNS: “Tôi đã đánh cá suốt 30 năm mà chưa bao giờ thấy một con cá mập nào như vậy. Đó là con cá mập cả đời người mới gặp được, tỉ lệ 1/1.000.000”.

Cá mập xám thường gặp phải tình trạng gọi là bệnh leucism, dẫn đến mất sắc tố. Bệnh leucism xảy ra khi một số hoặc tất cả tế bào sắc tố không phát triển trong quá trình biệt hóa. Vì vậy, một phần hoặc toàn bộ bề mặt cơ thể của động vật thiếu các tế bào có khả năng tạo ra sắc tố.

Ông Gillespie bắt được cá mập trắng. Ảnh: SWNS

Ông Gillespie từng nghe nói về cá mập trắng trước đây nhưng chưa bao giờ nhìn thấy trực tiếp. “Một người ở xứ Wales đã bắt được một con cá mập trắng cách đây 1 năm nhưng nhưng nhỏ hơn con của tôi nhiều. Tôi nghĩ nhìn chung, nếu chúng mất sắc tố, chúng sẽ phải vật lộn để sinh tồn vì không thể ngụy trang và săn mồi hiệu quả cũng như dễ bị những động vật săn mồi phát hiện” – ông Gillespie nêu ý kiến.

Do cá mập xám là loài đang được bảo vệ nên ông Gillespie đã thả con cá hiếm trở lại đại dương. Tuy nhiên, ông Gillespie cùng bạn đời kéo nó lên tàu để chụp vài bức ảnh trước khi phóng sinh.

Trang MarineBio.org cho biết cá mập xám được tìm thấy lần đầu tiên vào năm 1758. Nó là loài vô hại đối với con người, thường xuất hiện gần các thềm lục địa và phân bố rộng rãi, chẳng hạn ở Tây và Đông Đại Tây Dương, Nam Baja California, Vịnh California ở Mexico…

Cá mập xám có thể sống tới 55 năm. Chúng bị săn bắt vì nhiều lý do, bao gồm để lấy thịt, gan, dầu và vây. Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) liệt cá mập xám vào danh sách “cực kỳ nguy cấp”.


Phạm Nghĩa (Theo SWNS)

Chia sẻ