Tin mừng cuối năm sau đợt cách ly lần thứ hai: Vương quốc Anh (UK) có vắc-xin để tiêm ngừa Covid-19. Chỉ là mũi tiêm vắc-xin nhưng cũng đủ để UK có tên trên cột mốc lịch sử chống đại dịch Covid-19. Dẫu biết là còn lâu lắm mới đến lượt mình nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy an tâm hơn và hy vọng những điều bình thường sẽ sớm trở lại như trước.  

Tiến trình tiêm vắc-xin Covid-19 tại UK diễn ra theo từng giai đoạn với các nhóm ưu tiên khác nhau. Hiện tại, việc tiêm chủng chỉ được thực hiện đối với nhóm nguy cơ cao, gồm người trên 80 tuổi, người nằm trong bệnh viện, người đang làm việc trong các bệnh viện và nhà dưỡng lão hoặc làm những công việc có nguy cơ bị lây nhiễm cao.

Là người đầu tiên ở UK được tiêm vắc-xin Covid-19 của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), cụ bà Margaret Keenan, gần 90 tuổi, tâm sự: “Đây là món quà sinh nhật tuyệt vời đến sớm với tôi và là tất cả những gì mà tôi có thể mong ước. Cuối cùng thì tôi có thể dành thời gian với gia đình và bè bạn trong năm mới, sau gần một năm phải sống cô đơn một mình”. 

Một người được tiêm chủng khác, bà Trixie Alker (83 tuổi) cũng bày tỏ: “Tôi cảm thấy thật may mắn và rất biết ơn. Tôi đã không có cơ hội gặp những đứa cháu của mình gần cả năm nay rồi. Điều đó thật khó khăn đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, chúng ta đang từng bước đến gần nhau hơn, có lẽ là vào mùa xuân năm tới khi số người được tiêm vắc-xin ngày càng nhiều…”.

Lời tâm sự của những người trong cuộc phần nào vẽ lên những tia hy vọng về một tương lai tươi sáng, đẹp đẽ giữa bối cảnh ảm đạm và bi đát vì dịch bệnh hiện nay.

Dịch Covid-19 khiến dịp Giáng sinh tại TP Sheffield năm nay kém nhộn nhịp

Mỗi năm, cứ vào đêm Giáng sinh, gia đình tôi hay đến nhà dì và lúc nào cũng được thết đãi những món ngon Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi không thực hiện được điều đó vào năm nay bởi cần phải ưu tiên bảo vệ người lớn tuổi. Trong lúc đó, nhà hàng xóm đối diện đã hứa từ đầu năm là sẽ đãi cả nhà một bữa ăn trưa chủ nhật chính hiệu UK nhưng đã hơn 3 lần hẹn mà kế hoạch vẫn chưa thành vì thành phố chúng tôi đang sống (TP Sheffield, hạt Nam Yorkshire) thuộc diện bị cách ly cao nhất. 

Đi siêu thị mua đồ về là mọi người trong nhà vất vả cùng nhau xịt cồn và lau sạch mọi thứ. Ra đường lắm lúc chẳng nhận ra được người quen vì ai cũng đeo khẩu trang và cố gắng giữ khoảng cách. Nhà chức trách cũng tìm cách khuyến khích người dân đi bộ và giữ khoảng cách bằng cách nới rộng lề đường.

Thế đó, những điều nhỏ nhặt, đơn giản trong cuộc sống hằng ngày nhưng thật khó thực hiện được vào lúc này. Chính vì thế, người dân rất mong muốn được tiêm vắc-xin càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, sẽ có một chút rắc rối trong việc tiêm vắc-xin đại trà. Theo thông tin mới nhất thì hàng trăm ngàn người dân ở UK sẽ không được tiêm chủng bởi bác sĩ gia đình mà phải đến các trung tâm y tế khác để được tiêm. 

Rất nhiều trung tâm y tế ở các vùng Manchester, Linconshire, Sussex và Yorkshire sẽ không tham gia chương trình vắc-xin cho cộng đồng vì cơ sở vật chất và nhân lực đang thiếu hụt hoặc quá tải. Điều này sẽ gây thêm gánh nặng cho các trung tâm y tế khác và hệ lụy là hệ thống y tế quốc gia sẽ phải thu xếp một cách hợp lý để có thể mang vắc-xin đến với người dân.

Tuy rằng vắc-xin đã được cấp phép để có thể tiêm cho cộng đồng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề, câu hỏi chờ được giải đáp phía trước. Người được tiêm vắc-xin sẽ có kháng thể để chống chọi với virus SARS-CoV-2 nhưng liệu nó có ngăn ngừa hoặc làm giảm khả năng lây lan hay không? Liệu người được tiêm vắc-xin vẫn có khả năng lây lan cho những nhóm người có nguy cơ cao khác vẫn chưa được tiêm chủng? Mặc dù các nhà nghiên cứu đã xác nhận rằng vắc-xin hiện tại có hiệu quả đối với nhóm người cao tuổi nhưng hiệu quả của vắc-xin đối với nhóm người đang mang thai và trẻ em thì như thế nào? Hy vọng chúng ta sẽ sớm biết được những câu trả lời mình cần. 

Mỹ bắt đầu tiêm chủng ngừa Covid-19

Tướng Gustave Perna, người phụ trách hậu cần cho chiến dịch vắc-xin Covid-19 thần tốc mang tên Operation Warp Speed (OWS), hôm 12-12 cho biết những liều vắc-xin đầu tiên của Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) sẽ được chuyển đến 145 địa điểm tiêm chủng trên khắp nước Mỹ vào sáng 14-12 (giờ địa phương). 636 địa điểm còn lại sẽ nhận được vắc-xin vào ngày 15 và 16-12. Khoảng 3 triệu liều sẽ được vận chuyển trong đợt phân phối này, chủ yếu để tiêm chủng nhân viên y tế và người lớn tuổi tại các trung tâm dưỡng lão, sớm nhất lần lượt vào ngày 14-12 và cuối tuần này. Cứ mỗi tuần sau đó, Pfizer sẽ cho xuất xưởng nhiều vắc-xin hơn để sẵn sàng phân phối và sử dụng. Trong vòng 3 tuần, theo tướng Perna, OWS sẽ vận chuyển vắc-xin của Pfizer-BioNTech đến mọi trung tâm chăm sóc sức khỏe trên khắp cả nước.

Mặc dù quá trình phê duyệt vắc-xin Covid-19 diễn ra với tốc độ nhanh kỷ lục, giới chức Mỹ khẳng định an toàn vẫn được bảo đảm. “Chúng tôi làm việc nhanh chóng vì sự cấp bách của đại dịch, không phải vì bất cứ sức ép nào khác từ bên ngoài” – Ủy viên Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) Stephen Hahn khẳng định hôm 12-12, một ngày sau khi cơ quan này cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắc-xin của Pfizer-BioNTech. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá sinh học của FDA, ông Peter Marks, khẳng định khả năng xảy ra phản ứng phụ nghiêm trọng sau khi tiêm vắc-xin của Pfizer-BioNTech là rất thấp. Cũng theo ông Marks, giới chức đã xem xét kỹ lưỡng những vấn đề liên quan đến tác dụng phụ và kết luận mọi người nên tiêm vắc-xin trừ khi bị dị ứng với một trong những thành phần của nó.

Cùng ngày, Ủy ban cố vấn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ủng hộ tiêm vắc-xin của Pfizer-BioNTech cho những người từ 16 tuổi trở lên. Theo báo The New York Times, đây là một tín hiệu cho các bệnh viện và bác sĩ rằng họ nên xúc tiến tiêm chủng cho bệnh nhân.

Cao Lực


Bài và ảnh: KIM Quyên (từ TP Sheffield, Anh quốc)

Chia sẻ