Theo hãng tin PTI, các bị cáo bị treo cổ tại nhà tù Tihar, thủ đô New Delhi. Tất cả bị buộc tội cưỡng hiếp tập thể và sát hại một nữ sinh 23 tuổi, học chuyên ngành vật lý trị liệu. Vụ việc chấn động xảy ra trên một chiếc xe buýt đang di chuyển trên đường phố.

Nạn nhân lúc đó từ rạp chiếu phim trở về nhà cùng với một người bạn nam giới. Cặp đôi bị 6 người đàn ông lừa lên xe buýt. Sau đó, chúng đánh thanh niên đi cùng nạn nhân bằng một thanh kim loại, cưỡng hiếp cô gái rồi dùng thanh kim loại này để gây thương tích nặng cho nạn nhân. Cô gái tử vong khoảng 2 tuần sau vụ việc.

Các cuộc biểu tình bạo lực để phản đối vụ cưỡng hiếp dã man nói trên được tổ chức khắp Ấn Độ, buộc các nghị sĩ tăng cường hình phạt dành cho tội phạm tấn công tình dục. Lần gần đây nhất Ấn Độ thực hiện án treo cổ là vào năm 2013.

Người biểu tình tập trung bên ngoài dinh tổng thống phản đối vụ cưỡng hiếp nữ sinh trên xe buýt. Ảnh: AP

Dưới đây là một số cột mốc đáng chú ý trong vụ cưỡng hiếp nữ sinh năm 2012:

Ngày 16-12-2012: Nữ sinh 23 tuổi bị đánh đập và cưỡng hiếp gần 1 giờ, sau đó bị đẩy khỏi chiếc xe buýt đang di chuyển.

Ngày 17 đến ngày 22-12-2012: Cảnh sát bắt giữ các nghi phạm trong khi hàng ngàn người biểu tình ở thủ đô New Delhi đề nghị bản án tử hình.

Ngày 29-12-2012: Nữ sinh qua đời vì những vết thương nặng. Thủ tướng Ấn Độ khi đó là Manmohan Singh bày tỏ sự đau buồn về cái chết của cô gái. Sáu nghi phạm bị buộc tội giết người.

Ngày 3-1-2013: Cha của nạn nhân muốn các nghi phạm bị treo cổ.

Ngày 11-3-2013: Một trong các nghi phạm mà cảnh sát nói là kẻ cầm đầu vụ cưỡng hiếp treo cổ trong nhà giam.

Ngày 21-3-2013: Ấn Độ thông qua luật áp dụng hình phạt cứng rắn hơn đối với tội phạm tình dục, bao gồm án tử hình dành cho những kẻ tái phạm.

Ngày 31-8-2013: Bị cáo vị thành niên trong vụ cưỡng hiếp bị kết án 3 năm giam giữ dành cho trẻ vị thành niên.

Ngày 10 đến 13-9-2013: Bốn bị cáo còn lại lãnh án tử hình.

Ngày 20-12-2015: Bị cáo vị thành niên được thả tự do.

Ngày 20-3-2020: Sau khi tất cả kháng cáo bị bác bỏ, 4 bị cáo bị treo cổ tại nhà tù Tihar.


Phạm Nghĩa (Theo PTI, AP)