Trong 2 ngày hội nghị, các nhà lãnh đạo châu Á chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, với các chủ đề thảo luận như “Thay đổi thế giới từ châu Á,” “Phát triển hoạt động kinh doanh ở châu Á thông qua giao lưu văn hóa”, xung đột Nga – Ukraine, cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung và tác động tới châu Á…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã nêu một số đề xuất để các nước châu Á tăng cường hợp tác, duy trì thịnh vượng khu vực cũng như phát huy vai trò của châu Á trong nỗ lực phục hồi và phát triển chung trên toàn cầu. 

Theo Phó Thủ tướng, trước hết, châu Á cần tăng cường trách nhiệm gìn giữ và kiến tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới. Đối với vấn đề biển Đông, cần giải quyết các tranh chấp và bất đồng bằng giải pháp hòa bình, thượng tôn pháp luật, nhất là Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, phát huy cơ chế hợp tác đa phương, thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) và nỗ lực sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC).

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị quốc tế về tương lai châu Á ở Tokyo – Nhật Bản. Ảnh: TTXVN

Hai là, châu Á cần tiên phong thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tinh thần hợp tác và liên kết theo hướng mở, bao trùm, công bằng, bền vững và dựa trên luật lệ.

Ba là, cùng nhau bảo đảm các nền tảng thúc đẩy sự phục hồi tăng trưởng của các quốc gia và khu vực châu Á, từ đó duy trì vai trò là một động lực then chốt của tăng trưởng toàn cầu.

 Bốn là, châu Á cần tiên phong khởi xướng, thúc đẩy các động lực mới cho phát triển: Hợp tác trong khoa học công nghệ, công nghệ số, thúc đẩy tăng trưởng xanh bền vững…

 Năm là, châu Á cần đẩy mạnh hội nhập, liên kết với các khu vực và các đối tác then chốt trên thế giới.


Dương Ngọc