Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi thông báo với các nước thành viên rằng có 10 thùng chứa khoảng 2,5 tấn uranium tự nhiên ở dạng UOC (quặng tinh uranium) “không còn hiện diện như tuyên bố trước đó tại” tại Libya. Theo hãng tin Reuters, địa điểm trên không nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Libya.

Tuyên bố của IAEA cho biết sẽ tìm hiểu thêm hoàn cảnh diễn ra việc di dời nhiên liệu hạt nhân cùng vị trí hiện tại của các nguyên liệu này. Tuy nhiên, IAEA không đưa ra bất cứ thông tin chi tiết nào về cơ sở này.

Tuyên bố của IAEA nêu rõ: “Việc không có thông tin về vị trí hiện tại của các thùng chứa uranium làm tăng khả năng dẫn đến rủi ro phóng xạ, cũng như những lo ngại về an ninh hạt nhân”. Đồng thời, IAEA cho rằng việc tiếp cận cơ sở ở Libya sẽ gặp nhiều thách thức hậu cần phức tạp.

Theo thông báo của Tổng giám đốc IAEA, phát hiện vừa nêu là kết quả của một cuộc kiểm tra ban đầu được lên kế hoạch vào năm ngoái, song “đã phải hoãn lại vì tình hình an ninh trong khu vực” và cuối cùng được thực hiện vào ngày 14-3.

Công nhân đóng một thùng chứa uranium oxit. Ảnh: Reuters

Năm 2003, Libya đã từ bỏ một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân dưới thời cố lãnh đạo Moamer Kadhafi. Nước này trước đó đã sở hữu máy ly tâm có thể làm giàu uranium và có thông tin thiết kế bom hạt nhân, mặc dù đạt được rất ít tiến bộ trong việc chế tạo bom.

Libya rơi vào tình trạng bất ổn và chia rẽ chính trị sau khi chính quyền của ông Kadhafi sụp đổ năm 2011.

Kể từ năm 2014, quyền kiểm soát chính trị bị phân chia giữa các phe phái đối địch ở phía Đông và phía Tây. Phía Tây nằm dưới sự kiểm soát của Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) đứng đầu là Thủ tướng Fayez al-Sarraj, có trụ sở tại thủ đô Tripoli. Phía Đông nằm dưới sự kiểm soát của Thống chế Khalifa Haftar, lãnh đạo lực lượng bán vũ trang mang tên Quân đội Quốc gia Libya (LNA).

Sự chia rẽ của quốc gia giàu dầu mỏ này đã thúc đẩy bạo lực giữa các nhóm vũ trang, khiến hành trình từ Libya qua Địa Trung Hải không an toàn.

Đầu năm 2021, Quốc hội Libya đã thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24-12-2021, bước đi quan trọng hướng tới việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, cuộc tổng tuyển cử vẫn chưa được tổ chức và tính hợp pháp cũng đang bị tranh cãi.


Huệ Bình