Mây xà cừ, mây thấu kính, mây cuộn, mây dạ quang, mây mẹ bầu … đều vô cùng ấn tượng khiến người xem ngỡ ngàng. Có điều, những kiểu mây này hiếm khi xuất hiện nên không phải ai cũng may mắn được chứng kiến.

Các nhà khoa học cho biết các kiểu mây có hình dạng bất thường xuất hiện phổ biến nhất trong mùa đông và mùa xuân.

Mây thấu kính

Mây dạng thấu kính là những đám mây cố định ở dạng đứng hoặc giống như chiếc đĩa, có thể chạm đến độ cao hơn 12.000 m trong khí quyển.

Để hình thành mây thấu kính, cần luồng gió ổn định và những đám mây hình thành theo cách này có nhiệt độ thấp hơn với không khí dày đặc hơn so với khu vực xung quanh. 

Mây thấu kính thường xuất hiện trên các đỉnh núi hoặc tòa nhà cao tầng. Mới đây, hiện tượng này được ghi nhận trên núi Bà Đen ở Tây Ninh, khiến nhiều người xem vô cùng thích thú.

Mây cuộn

Mây cuộn là những đám mây thấp, nằm ngang giống như một cột lăn dọc bầu trời. Những đám mây này rất hiếm thấy nhưng nó có thể xuất hiện ở bất cứ đâu, chủ yếu phụ thuộc vào sự lưu thông của gió.

Bầu trời bang Queensland – Úc là nơi khá thường xuyên xảy ra hiện tượng mây cuộn, đặc biệt vào khoảng tháng 10 do sự tác động của gió biển từ bán đảo Cape York.

Mây dạ quang

Các nhà khoa học đánh giá mây dạ quang là một trong những loại mây vô cùng hiếm gặp, nó xuất hiện ở tầng trung lưu, cách bề mặt Trái đất khoảng 80.000 m.

Mây dạ quang tạo những màu sắc rất đẹp, xuất hiện cao nhất trong bầu khí quyển của Trái đất và được ghi nhận lần đầu vào năm 1885.

Mây dạ quang tạo bao gồm các tinh thể băng nhưng tạo mưa bởi có thể xảy ra ngay trong mùa hè, thời tiết khô ráo.

Mây xà cừ

Mây xà cừ là một dạng mây hình thành tại tầng bình lưu vùng cực về mùa đông, ở độ cao khoảng 15.000 – 25.000 m.

Mây thường được hình thành trong thời tiết lạnh, xuất hiện chủ yếu ở vùng Scandinavia, Bắc Cực, Canada và miền Bắc nước Nga.

Điều kiện tốt nhất cho mây xà cừ hình thành là khi mặt trời ở dưới đường chân trời vài độ, vào lúc hoàng hôn và bình minh. Các đám mây này sẽ nhận được ánh sáng mặt trời từ dưới đường chân trời và phản xạ chúng xuống mặt đất, tạo ra ánh sáng tươi sáng và óng ánh.

Mây phễu

Mây hình phễu đôi khi bị nhầm với lốc xoáy do hình dạng gần giống nhau. Cơ chế hình thành mây phễu tựa như lốc xoáy là khi có gió nổi lên theo hình nón, mây có thể chuyển động theo hướng quay tròn.

Nhưng khác với lốc xoáy, mây phễu không chạm tới mặt đất mà thường chỉ trên không. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu cho sự khởi đầu của một cơn lốc xoáy nếu được tiếp cận mặt đất và tăng thêm sức mạnh khi di chuyển.

Hiện tượng mây phễu đã nhiều lần được ghi nhận tại Vương quốc Anh.

Mây Virga

Mây Virga thường được mô tả là có hình dáng tương tự như loài sứa và dễ nhận thấy nhất khi được chiếu sáng bởi mặt trời vào lúc hoàng hôn.

Mây Virga được hình thành khi những vệt mưa phân tán từ mặt dưới của đám mây nhưng bốc hơi trước khi chạm tới mặt đất.

Người ta thường thấy mây Virga trên sa mạc, nơi độ ẩm thấp và nhiệt độ cao có thể khiến mưa bốc hơi ngay sau khi được giải phóng bởi các đám mây.

Mây lỗ

Mây lỗ tạo thành những hình ảnh trên không trung cho cảm nhận hệt như những vật thể lạ ngoài hành tinh.

Hiện tượng này xảy ra do nước lạnh từ các đám mây bốc hơi đột ngột. Những đám mây này có thể xảy ra ở bất cứ đâu nhưng thường khá hiếm.

Hiện tượng mây lỗ có thể xuất hiện khi trên bầu trời có máy bay vừa bay qua.

Mây Asperitas

Mây Asperitas rất hiếm gặp, nó có cấu trúc nhấp nhô rõ rệt ở phần dưới cùng. Một số đám mây tạo thành các gợn sóng ở mặt dưới của những đám mây khác, tạo cảm giác trông bầu trời như một mặt biển động.

Loại mây đặc biệt này đã được đưa vào bản đồ mây quốc tế với tên gọi “Asperitas” vào năm 2017. Dù vậy, những đám mây này vẫn chưa được các chuyên gia tìm hiểu đầy đủ.

Các nhà khoa học cho biết các đám mây Asperitas thường xuất hiện với vẻ “u ám và đen tối” khiến ta tưởng chừng như bão sắp tới nhưng chúng thường tan biến nhanh chóng.

Mây Asperitas có thể xuất hiện vào sáng sớm hoặc chiều tối sau những cơn bão đối lưu.

Mây mẹ bầu (Mammatus)


Sở dĩ mây Mammatus còn được gọi là mây mẹ bầu do cấu trúc phình ra thành từng cục của chúng . Cho đến nay, đây vẫn là một trong những dạng mây khác thường và khác biệt nhất.

Sự nhiễu loạn trong một đám mây vũ tích sẽ khiến các đám mây mammatus hình thành. Mây mẹ bầu sẽ hình thành bên dưới các đám mây vũ tích trong thời tiết giông bão, sấm sét hay mưa đá.

Mây Kelvin-Helmholtz

Mây Kelvin-Helmholtz được đặt theo cách ghép tên của nam tước Kelvin và nhà vật lý Hermann von Helmholtz. Đây là một trong những dạng mây hiếm nhất, nó trông giống như những làn sóng dọc, được hình thành khi lớp không khí phía trên di chuyển nhanh hơn lớp phía dưới.

Điều này tương tự với hiện tượng bất ổn định Kelvin-Helmholtz trong vật lý, xảy ra khi biến dạng vận tốc xuất hiện trong một chất lỏng liên tục hoặc khi có sự khác biệt tốc độ qua giao diện giữa hai chất lỏng.

Những đám mây này thường xuất hiện trong những ngày có gió, xảy ra ở độ cao trên 5.000 m.


Bằng Hưng (Tổng hợp)