Ông Euben Paracuelles, nhà kinh tế trưởng khu vực ASEAN tại Tập đoàn tài chính Nomura, hôm 24-9 nói với đài CNBC rằng các cuộc biểu tình có thể làm trì hoãn phục hồi kinh tế bất chấp Thái Lan đang tương đối thành công trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Thái Lan vốn không xa lạ với tình trạng bất ổn chính trị, là một trong những nơi chứng kiến ​​nhiều cuộc đảo chính quân sự nhất trong lịch sử hiện đại.

Nhiều người biểu tình đổ ra đường ở thủ đô Bangkok-Thái Lan cuối tuần qua. Ảnh: AP

Theo ông Paracuelles, về mặt lịch sử, sự bất ổn chính trị gia tăng có xu hướng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế, đặc biệt là tác động lên tâm lý kinh doanh hoặc chi tiêu đầu tư tổng thể. Điều này thậm chí còn tác động đối với tất cả chính sách tài khóa quan trọng.

Ông Paracuelles cho biết nền kinh tế Thái Lan đã bị cản trở bởi rất nhiều vấn đề về cấu trúc vốn tồn tại ngay cả trước khi xảy ra đại dịch Covid-19. Ông Paracuelles nhận định: “Ví dụ sự phụ thuộc rất lớn vào lĩnh vực du lịch, điều mà chúng tôi không nhận thấy sẽ sớm phục hồi, sẽ thực sự làm tổn thương họ. Điều đó gây ra rất nhiều tác động lan tỏa đến phần còn lại của nền kinh tế trong nước vốn cũng đang phải vật lộn với những vấn đề như dân số lão hóa và sự thiếu khả năng cạnh tranh”. Kinh tế Thái Lan dự báo sẽ giảm khoảng 7,6% trong năm 2020.

Chuyên gia cảnh báo bất ổn dân sự ảnh hưởng đến sự phục hồi của kinh tế Thái Lan sau đại dịch. Ảnh: AP

Theo chuyên gia này, trong bối cảnh bất ổn chính trị, chính phủ Thái Lan có khả năng sử dụng các biện pháp dân túy để cố gắng xoa dịu những người biểu tình nhưng thật khó để nói vào thời điểm này việc đó sẽ hiệu quả như thế nào.

Ông Paracuelles nói rằng: “Nếu nhìn vào các yêu cầu của những sinh viên biểu tình, có vẻ rất khó đáp ứng khi họ muốn thay đổi hiến pháp, thậm chí cải cách chế độ quân chủ, điều chưa từng xảy ra ở Thái Lan. Đối với chúng ta, điều này giống như một quá trình kéo dài, một kiểu bế tắc chính trị kéo dài”.

Trong khi đó, Quốc hội Thái Lan hôm 24-9 bỏ phiếu hoãn đưa ra quyết định sửa đổi hiến pháp theo yêu cầu của người biểu tình phản đối chính phủ, thay vào đó thành lập một ủy ban nghiên cứu việc này. Quyết định này đã chọc giận những nghị sĩ phe đối lập và người biểu tình. Ông Sompong Amornvivat, lãnh đạo của đảng Pheu Thai, cho biết chính phủ không thực sự muốn thay đổi theo mong muốn của người dân.

Người biểu tình kêu gọi sửa đổi hiến pháp. Ảnh: AP

Hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài quốc hội, cố gắng chặn xe của một số thượng nghị sĩ và nhà lập pháp rời khỏi tòa nhà sau quyết định trên. Người biểu tình cũng đòi hỏi bãi chức lãnh đạo chính phủ. Các cuộc biểu tình hiện là thách thức lớn nhất đối với quân đội và chính phủ Thái Lan kể từ khi ông Prayuth nhậm chức sau cuộc đảo chính hồi năm 2014.

Những người biểu tình cũng đã phá bỏ những điều cấm kỵ lâu đời ở Thái Lan về việc công khai chỉ trích chế độ quân chủ.

https://www.cnbc.com/2020/09/25/protests-in-thailand-could-derail-its-economic-recovery-warns-nomura.html


Xuân Mai (Theo CNBC)

Chia sẻ